(Baonghean) - Cứ nhìn vào những bức tường cao, thấp nối tiếp nhau chạy dài trước mặt, găm tua tủa những mảnh vỡ sứ sành, chai lọ và chằng chịt dây thép gai, tôi lại tham lam ao ước, giá như làng quê mình vẫn còn giữ được những bức tường cây xanh, dập dờn ong bướm và chim chóc.
Quê bây giờ khác xưa nhiều lắm! Bức tường bao đã chạy tới cả những nơi hẻo lánh, heo hút. Có những bức xây bằng đá, những bức khác thì được xây bằng gạch, bằng sò. Có bức chỉ cao ngang người, nhưng có bức lại vượt quá đầu người. Đa số các bức tường chỉ dừng lại ở việc xây thô, tuy nhiên, có những bức được chủ nhà kỳ công gia trát. Thậm chí có bức tường còn được gia chủ ưu ái ốp lát cả gạch hoa láng bóng. Nhiều khi lọt thỏm giữa hai dãy tường xây bưng bít, chật hẹp ấy, cảm giác thật xa lạ và lạnh lẽo, ngỡ như mình đang đặt chân ở một nơi nào đó không còn là quê nữa. Bức tranh quê yên bình, thơ mộng một thời đã lùi sâu vào dĩ vãng!
Tôi còn nhớ như in, quê mình xưa kia, nhà cách nhà là những bức tường xanh mướt, có khi chỉ là một gốc cây, một hàng mía, một bờ chuối, một “cái dậu mồng tơi xanh rờn” như bức tranh thôn quê của nhà thơ Nguyễn Bính. Người quê tôi, làng trên xóm dưới sống với nhau chan hòa giữa chim muông, cây cỏ.
Bức tường cây rào quanh mỗi ngôi nhà không chỉ để che chắn gió, bụi, đề phòng trộm cắp mà còn là nơi lý tưởng để trẻ con chúng tôi nhẩn nha, ríu rít chơi đùa những trưa trốn ngủ. Dường như đứa trẻ thôn quê nào khi đó cũng rất khoái với các kiểu tường cây ấy. Nào là ổi, táo, nào là sung, bàng... mùa nào thức nấy. Với tôi và đám bạn “trẻ trâu” của tôi, thích nhất là những hàng xoan trước sân, ngoài ngõ, ven những con đường đất ngoằn nghèo.
Sự hiện diện của những bức tường xây đồng nghĩa với việc những bức tường cây xanh không còn nữa. Đành rằng lý do mà người quê tôi đưa ra không phải là không có lý. Họ cho rằng xây tường bao là để phân định rõ ràng ranh giới giữa nhà này nhà nọ, góp phần bảo vệ phần nội gia cư. Có cái tường kiên cố rồi con vịt, con gà cũng khó mà xổng ra ngoài chạy bới lung tung được nữa. Và như thế thì tránh được tiếng to tiếng nhỏ, mâu thuẫn, mất đoàn kết giữa những người hàng xóm.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận được đó là khi những bức tường xây kiên cố được định hình, vô hình trung tạo nên một sự ngăn cách giữa những người quê vốn chân chất bình dị, từng đã có thời chia nhau từng quả cà, bát canh. Họ sống khép mình trong nhiều lớp tường bao bọc, chỉ khi cần họ bước ra ranh giới của mình một cách e dè, thận trọng.
Cứ nhìn vào những bức tường cao, thấp nối tiếp nhau chạy dài trước mặt, găm tua tủa những mảnh vỡ sứ sành, chai lọ và chằng chịt dây thép gai; nhìn những đứa trẻ chỉ biết loanh quanh trong nhà, ngoài sân, mải mê đắm chìm trong những bộ phim hoạt hình hay những trò chơi điện tử, bỗng nhận ra tuổi thơ của mình may mắn và giàu có biết bao. Lúc ấy tôi ao ước, giá như làng quê mình vẫn còn giữ được những bức tường cây xanh, dập dờn ong bướm và chim chóc.
Cũng vì mất đi những bức tường xanh mà khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt, mùa Hè thì nóng như đổ lửa, mùa Đông thì rét thấu xương. Rồi lũ lụt, hạn hán kéo theo mất mùa, thất bát hoành hành mỗi làng quê. Suy cho cùng nguyên do cũng là vì môi trường biến đổi, mất cân bằng sinh thái, việc trồng mới cây xanh không bù lại được với lượng cây bị chặt bỏ.
Đâu rồi những hàng râm bụt xanh mướt thắp những chiếc “đèn lồng” hoa đỏ chót? Đâu rồi những hàng cau, hàng dừa thanh thoát chạy thẳng tắp trước mỗi ngôi nhà? Những hàng chuối sinh sôi mau mắn, rậm rạp ken dày sau chái bếp? Những hàng xoan bung nở mỗi dịp tháng Ba, bồng bềnh sắc tím? Những bức tường đã dịu lại hồn ta sau những vất vả, bộn bề của cuộc sống?
Bức tường rào xanh ấy có chăng giờ chỉ còn lại trong ký ức của những con người từng một thời gắn bó với quê!
Nguyễn Hòe