(Baonghean) - Một thời, mỗi khi đi ngang qua làng Xuân Thịnh là nghe rộn ràng tiếng quai búa, bễ lò, mài dao... Làng rèn một thời vang danh nuôi sống hàng trăm con người ấy, nay chỉ còn trong ký ức của những bậc cao niên. 

Những ngày cuối năm trời lâm thâm mưa, buốt lạnh, chúng tôi tìm về làng rèn Xuân Thịnh, xã Nghi Đức (thành phố Vinh). Vắng lặng - đó là cảm giác khi bước chân trên con đường cong cong vào làng. Chợt nhớ cũng thời điểm này của hơn mười năm về trước, cả ngôi làng nhỏ này rộn rã tiếng đe, tiếng búa. Gặp một cụ ông đang tỉ mẩn tỉa vạt cây chuẩn bị đón Tết, nghe hỏi về nghề rèn, cụ lắc đầu: “Làng rèn này chẳng còn nữa rồi!...”.

images1810009_bna_588737a4b9f5c.jpgÔng Doãn Hữu Xin là một trong hai người còn bám trụ lại với nghề rèn.

Ngôi nhà cấp 4 rộng rãi, kín cổng cao tường nằm ngay cạnh đường lớn của làng Xuân Thịnh là nhà ông Doãn Hữu Xin, một trong những người gắn bó với nghề rèn lâu năm nhất ở đây. Ông cũng là 1 trong 2 người còn lại của làng đang “lay lắt” theo nghề. Ngôi nhà vắng hoe, chỉ còn mình ông Xin đang lúi húi bên bễ lửa. Thấy có khách, ông Xin ngưng tay: “Ai đó, rèn chi à? Chờ chút, tôi đang dở tay...”. Xung quanh chỗ ông Xin ngồi là ngổn ngang nào dao, búa, cuốc... và vô số thứ lặt vặt không gọi tên được. 

Qua câu chuyện của mình, ông Xin cho biết, gia đình ông xưa kia là một trong những hộ ăn nên làm ra nhờ nghề rèn. Một phần cơ ngơi ông có hiện giờ cũng bắt nguồn từ những cái dao, chiếc búa mà khách đặt hàng. Xưa, mọi thành viên trong gia đình, từ cha mẹ, đến vợ, con cháu trong nhà đều cùng làm nghề rèn. Người lớn thì trui thép, làm cán dao, người nhỏ tuổi thì gọt chuôi dao, tra cán liềm... Thuở ấy, nghề rèn tuy chỉ là nghề phụ sau nghề nông, nhưng vì nhà ông rèn có tiếng, khách thập phương kéo đến đông lắm. “Giờ thì lò rèn nguội lạnh. Lâu lâu mới có đôi ba khách đến đặt làm con dao, cái cuốc, làm không đủ ăn nữa rồi” - ông Xin rít thuốc lào, thở dài nói. 

Lịch sử làng rèn Xuân Thịnh có cách đây gần trăm năm. Ông Xin còn nhớ như in, thuở cả làng hầu như mọi người ai ai cũng hứng khởi, nhộn nhịp bên những lò rèn đỏ rực lửa quanh năm, suốt tháng. Mùa đông cũng như mùa hè, khách tứ phương về đây đặt làm hoặc mua nông cụ. Có ngày lên đến hàng nghìn chiếc liềm, chiếc cuốc, xẻng... theo chân khách ra về. Qua những đôi bàn tay khéo léo của thợ lò rèn Xuân Thịnh, những dao, búa, liềm... được trui tinh xảo, sắc bén, bền lâu. Công việc đồng áng vì thế mà trở nên nhẹ nhàng hơn. Người dân khắp nơi đổ về đây mua nông cụ, từ các xã Nghi Phong, Nghi Thái, đến Phúc Thọ (Nghi Lộc) rồi ngược lên tận Hưng Nguyên, Nam Đàn... Những ai làm nông nghiệp, hay cả những người cần sử dụng dao, búa đều kéo nhau tìm về làng Xuân Thịnh mua cho kỳ được. 

Nghề rèn ở xóm Xuân Thịnh được con cháu của dòng họ Doãn Hữu thuộc tỉnh Thanh Hóa di cư đến và lập nên. Họ rời xứ Thanh tha phương do những biến động của lịch sử, và hành trang mang theo là nghề rèn truyền thống quê hương. Đất lành chim đậu, làng Xuân Thịnh đã giúp con cháu dòng họ Doãn Hữu lưu giữ và phát triển nghề rèn. Từ nghề truyền thống của một dòng họ, nhiều gia đình địa phương cũng học hỏi và sinh nhai bằng nghề thổi bễ này.

Ngày ấy, làng còn thưa thớt dân cư, nhưng đã có tới hàng chục lò rèn ở Xuân Thịnh ngày đêm đỏ lửa. Không có các máy móc hiện đại, nhưng quanh năm lò rèn tấp nập khách ra vào. Thợ rèn Xuân Thịnh lại được tiếng chăm chỉ vào mùa đông lạnh giá, mùa hè nắng như đổ lửa, những người thợ rèn vẫn miệt mài, gò lưng ngồi đập thép, trui sắt... Đều đặn mỗi ngày bắt đầu từ 4 giờ sáng, hàng chục lò rèn nổi lửa. Cả một làng rèn sôi động, nhộn nhịp và cuộc sống ấm no cũng nhờ tiếng đập đe, rèn nông cụ. Sản phẩm ra lò cũng là khi các bà, các mẹ gồng gánh đưa hàng đến chợ. Những chợ Vinh, chợ Cọi (xã Hưng Lộc - TP. Vinh), chợ Thành (xã Nghi Phú - TP. Vinh), chợ Lò Vôi (xã Nghi Thái - Nghi Lộc) hay rất nhiều gian hàng nông cụ đều có sản phẩm do làng rèn Xuân Thịnh làm ra.

Những năm tháng hoạt động sản xuất nông nghiệp chưa có sự cơ giới hóa chính là giai đoạn hoàng kim của nghề rèn nói chung và làng rèn Xuân Thịnh nói riêng. Gần chục năm trở lại đây, nghề rèn ở Xuân Thịnh đã bắt đầu vắng lặng và dần nguội lạnh. Tất cả đều do sự phát triển khách quan của cuộc sống. 

Nghề rèn vất vả, nhu cầu sử dụng nông cụ thủ công của khách hàng ngày càng ít ỏi, nghề không đủ nuôi sống gia đình nên nhiều nghệ nhân làng rèn Xuân Thịnh đã từ bỏ nghề. Cũng vì chẳng thể bám vào cái công việc không đủ ăn, đủ mặc nên thanh niên trong làng đã tìm những nghề nghiệp khác nhằm kiếm kế sinh nhai. Người thì đi “xây xùa”, kẻ tìm đường vào các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động, cũng có người buôn bán nhỏ lẻ... Giờ trong làng chỉ còn 2 lò rèn của gia đình ông Doãn Hữu Xin và ông Doãn Hữu Hy. Thi thoảng, ai muốn đặt cái dao, cái cuốc thì các ông mới đốt lửa. Túc tắc như vậy, những người già cả như ông Xin, ông Huy kiếm thêm đôi ba đồng những lúc nông nhàn. Ông Xin trầm ngâm chia sẻ: “Tôi không muốn bỏ nghề, vì đây là nghề truyền thống cha ông để lại. Ít nhất trong vùng phải có một lò rèn để phục vụ bà con nông dân chứ! Tôi chỉ mong con cháu có đứa nào đó sẽ thích nghề này và nối nghiệp tiên tổ”. 

Một mùa Xuân nữa lại về trong cái vắng lặng của làng rèn Xuân Thịnh dẫu làng trên xóm dưới đã nghe tiếng cười nói của lũ trẻ. Lại thấy có người đã chở đào, quất ra khỏi làng. Ấy là những năm gần đây, trai gái làng Xuân Thịnh rủ nhau buôn đào dịp Tết. Thôi thì cuộc sống muôn chiều, đa hướng, dù không còn làng rèn, nghề rèn thì Xuân Thịnh vẫn vào Xuân.

Thiên Thiên
 

 

TIN LIÊN QUAN