Cách đây 70 năm, trong khí thế chiến thắng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn tổng phản công, thực hiện các biện pháp, chính sách kinh tế do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 vạch ra, ngày 6/5/1951 tại Tân Trào lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15-SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.
Tại Nghệ An, thực hiện Sắc lệnh số 17-SL ngày 6/5/1951, ngày 15/7/1951 đã chuyển toàn bộ cơ quan ngân khố, tín dụng sản xuất thành chi nhánh Ngân hàng Quốc gia.
bna_image_8472115_652021.jpgNgành Ngân hàng Nghệ An luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu cho khách hàng. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Chặng đường 70 năm qua của Ngân hàng Nghệ An là chặng đường đầy thử thách, khó khăn, gian khổ nhưng đầy tự hào. Từ ngày thành lập đến năm 1954, Ngân hàng Nghệ An đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phát hành giấy bạc tài chính trên địa bàn, quản lý phát hành và lưu thông tiền tệ ngay trong kháng chiến; thực hiện đẩy mạnh công tác tín dụng phục vụ sản xuất dưới hình thức tín dụng gián tiếp, phát triển kinh tế tại địa phương. 

Từ năm 1955-1957, thời kỳ khôi phục kinh tế, Ngân hàng Nghệ An chuyển hướng từ cho vay gián tiếp qua cho vay trực tiếp nông dân cá thể để sản xuất nông nghiệp, và các ngành nghề khác. 
Bước vào thời kỳ cải tạo và phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Ngân hàng Nghệ An đã cùng ngân hàng cả nước thực hiện cuộc cải cách tiền tệ lần thứ 2, đồng ngân hàng thay thế đồng tài chính. 
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1965 đến 1975, Ngân hàng Nghệ An đã phục vụ kịp thời và đắc lực cho nền kinh tế trong quá trình chuyển từ thời bình sang thời chiến. 
Năm 1976, Nghệ An và Hà Tĩnh hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh, lúc bấy giờ cũng như cả nước, Nghệ Tĩnh chỉ có một ngân hàng Nhà nước duy nhất với 27 chi nhánh tại huyện, thị, thành (năm 1985 thêm chi nhánh Bến Thủy) thực hiện tất cả các nghiệp vụ ngân hàng, vừa là ngân hàng phát hành, vừa là ngân hàng cho vay đối với nền kinh tế. Mô hình này đã có tác dụng nhất định trong quá trình khôi phục, cải tạo nền kinh tế sau chiến tranh trong điều kiện cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội và đang bị Mỹ cấm vận, nhưng vai trò, hiệu lực hiệu quả các công cụ của ngành Ngân hàng bị yếu dần do cơ chế quản lý kinh tế tập trung bao cấp nặng nề, nền kinh tế mất cân đối nghiêm trọng trên nhiều mặt, lạm phát ngày càng cao vào cuối những năm 70.
Năm 1981 thực hiện Quyết định số 259/CP của Hội đồng Chính phủ, Ngân hàng kiến thiết từ hệ thống của Tài chính chuyển sang hệ thống Ngân hàng. 
Năm 1988, thực hiện Nghị định số 53/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng chuyển ngân hàng sang hạch toán kinh doanh, tách hệ thống ngân hàng Nhà nước thành ngân hàng 2 cấp. Ngân hàng Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước và các Ngân hàng chuyên doanh thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ. 
Từ năm 1990, ngành Ngân hàng Nghệ An cùng Ngân hàng cả nước tổ chức và hoạt động theo 2 Pháp lệnh ngân hàng và năm 1999 thực hiện theo 2 bộ luật: Luật NHNN và Luật các TCTD, cùng với đó, Kết luận số 20-KL/TW ngày 2/6/2003 của BCT. (Đây là kết luận thứ 3 của Bộ Chính trị đối với tỉnh, thành phố, sau Kết luận đối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), và sau này là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của BCT, đã định hướng rõ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư, cơ sở hạ tầng, hình thành môi trường hấp dẫn dòng vốn đầu tư, thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh, tạo thuận lợi cho ngành Ngân hàng trên địa bàn phát triển.
Từ chỗ 1 phòng giao dịch ở Núi Thành với 32 cán bộ, đến nay bộ máy Ngân hàng Nghệ An đã có một hệ thống đa dạng các loại hình TCTD, trải rộng trên địa bàn 21 huyện, thành thị trong tỉnh, bao gồm Chi nhánh NHNN tỉnh, 124 TCTD, chi nhánh TCTD; 283 PGD, 298 ATM, 1.680 POS, 1 Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Khu vực Bắc Trung Bộ, với gần 5.000 cán bộ.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An kiểm tra hoạt động tại tổ chức tín dụng. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Dưới sự chỉ đạo của NHNN Chi nhánh, các ngân hàng trên địa bàn đã khai thác tối đa nguồn vốn tại chỗ, tập trung đẩy mạnh cho vay, chú trọng phục vụ cho các dự án trọng điểm của tỉnh, các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hạn chế nạn tín dụng đen, hỗ trợ công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Đến ngày 31/3/2021, tổng nguồn vốn huy động đạt trên 164 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 20 năm qua là 23,23%. Tổng dư nợ cho vay tín dụng đạt trên 228 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 20 năm qua là 25,04%, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 102.300 tỷ đồng, chiếm 45% trong tổng dư nợ, cho vay các đối tượng chính sách qua Ngân hàng chính sách xã hội đạt 9.144 tỷ đồng với 231.978 hộ được vay vốn.
Bên cạnh việc mở rộng tín dụng, các ngân hàng không ngừng chú trọng và nâng cao chất lượng tín dụng, cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát của NHNN Chi nhánh, tỷ lệ nợ xấu luôn được duy trì dưới 1% trong tổng dư nợ. Nghệ An hiện nay đang là tỉnh đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ về huy động, dư nợ và số lượng TCTD và Chi nhánh cấp 1; đứng thứ 6 cả nước về huy động vốn và đứng thứ 4 về dư nợ cho vay.
Lãnh đạo Ngân hàng trao cờ lưu niệm cho các đội tham gia Giải thể thao kỷ niệm ngày thành lập ngành. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Song song với việc phát triển các dịch vụ truyền thống, các Ngân hàng cũng chú trọng đến đầu tư cơ sở vật chất, tạo tiền đề để phát triển mạnh các loại hình dịch vụ khác, đặc biệt là hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, xem đây là hướng phát triển phù hợp, có hiệu quả trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập quốc tế của ngành. 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Nghệ An trao quà người nghèo ở Diễn Châu. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Bên cạnh hoạt động chuyên môn, công tác an sinh xã hội luôn được quan tâm, đến nay ngành Ngân hàng Nghệ An đã đóng góp ủng hộ từ thiện hàng trăm tỷ đồng, nhận phụng dưỡng suốt đời 18 mẹ Việt Nam anh hùng và xây dựng nhiều nhà tình nghĩa, trường học, trạm y tế, hỗ trợ xây dựng Khu Di tích lịch sử Truông Bồn...

Ngành Ngân hàng Nghệ An đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Ảnh: PV
Với sự quan tâm, chỉ đạo giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ, cùng với sự nỗ lực của ngành Ngân hàng Nghệ An cùng với các ngành kinh tế khác, kinh tế xã hội Nghệ An đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua.
Nỗ lực cố gắng của ngành Ngân hàng Nghệ An đã được Chính phủ, NHNN Việt Nam, và chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao, nhiều tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động, được Thống đốc và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. 
Như vậy, có thể nói, suốt chiều dài lịch sử phát triển của Ngành và của Tỉnh, ngành Ngân hàng Nghệ An đã, đang và sẽ luôn cố gắng hoàn thành sứ mệnh của mình, đóng góp vào sự lớn mạnh của hệ thống ngành Ngân hàng và phục vụ tốt; góp phần hoàn thành các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh./.