Tham gia Hội nghị có 15 tỉnh, thành tham dự trực tiếp; Bộ Công Thương và 10 tỉnh, thành tham gia trực tuyến tại các điểm cầu.
Đồng chí Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương chủ trì tại điểm cầu Nghệ An.
Tại hội nghị, các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối… đã có nhiều ý kiến, mong muốn có nhiều hoạt động nhằm khai thác tối đa tiềm năng, phát huy thế mạnh của từng địa phương. Đồng thời, liên kết phát triển, kết nối hai chiều, hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, mở rộng hàng hóa sản xuất trong nước và có tiềm năng xuất khẩu, đặc biệt là hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. HCM và các địa phương.
Các ý kiến cho rằng, thông qua kết nối, lợi thế của mỗi địa phương đã được phát huy tối đa, trong đó TP.HCM có thế mạnh về sản xuất, chế biến; các địa phương có thế mạnh về kinh nghiệm nuôi trồng nông sản, tiềm năng về nguồn nguyên liệu, đặc sản địa phương. Chương trình góp phần nâng cao hiệu quả mở rộng mạng lưới phân phối gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động cũng như thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường ngay tại các địa phương.
Tại Nghệ An, tính chung trong giai đoạn vừa qua với gần 10 năm thực hiện chương trình kết nối cung cầu hàng hóa có quy mô ngày càng mở rộng, hàng hóa ngày càng phong phú, số lượng địa phương, doanh nghiệp tham gia và hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng nhiều.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ cho biết, hiện nay sản phẩm hàng hóa của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng, đảm bảo yêu cầu về hình thức, mẫu mã, chất lượng đủ điều kiện để lưu thông ra thị trường.
Hiện đã có 71 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và trên 200 sản phẩm OCOPđược UBND tỉnh công nhận, một số sản phẩm đảm bảo quy mô sản xuất, sản lượng cung ứng để vào các chuỗi phân phối hàng hóa trong nước.
Đó là: Cam đạt khoảng 60.000 tấn/năm; chè công nghiệp đạt 80.000 tấn/năm; thịt lợn khoảng 137.000 tấn/năm; thịt gia cầm 82.000 tấn/năm. Với hệ thống trên 400 kho bảo quản đông lạnh và khả năng đánh bắt của hệ thống tàu cá địa phương, hàng năm có khả năng cung ứng khoảng 240.000 tấn thủy, hải sản các loại.
Ngoài ra, Nghệ An có rất nhiều đặc sản địa phương, sản phẩm dược liệu như nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, dược liệu Pù Mát, chè hoa vàng,… có thể tiếp cận với thị trường phía Nam.
Để hàng hóa của Nghệ An tiếp cận với thị trường rộng lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Sở Công Thương Nghệ An gửi lời chào tới các nhà phân phối và kính mời quý vị tổ chức khảo sát và lựa chọn sản phẩm Nghệ An đưa vào các chuỗi cung ứng hàng hóa trên cả nước. Chúng tôi luôn đồng hành cùng các nhà phân phối để khảo sát, lựa chọn những sản phẩm đảm bảo chất lượng, quy mô sản xuất lớn, đảm bảo điều kiện lưu thông để đưa vào các chuỗi cung ứng.
Thông qua chương trình hợp tác TP.HCM đã tích cực hỗ trợ các tỉnh, trong đó có Nghệ An, góp phần thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy lưu thông hàng hóa tạo sự liên kết phát triển kinh tế trong toàn vùng.