Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 82 trường học ngoài công lập từ bậc mầm non đến bậc THPT với gần 2.488 cán bộ, nhà giáo, nhân viên làm việc. Nguồn thu chủ yếu của các trường này là từ học phí.
Hiện, khảo sát của công đoàn ngành cho thấy, dù chưa có trường tư thục nào phải đóng cửa, nhưng đã có 22 lao động bị chấm dứt việc làm. Từ tháng 2 đến tháng 4/2020, có hơn 2.200 cán bộ, giáo viên cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được nhận lương và nợ đóng bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, theo thống kê còn có gần 3.000 cô nuôi, nhân viên nấu ăn tại các trường mầm non, tiểu học có tổ chức bán trú và 326 giáo viên giảng dạy thỉnh giảng Ngoại ngữ, Tin học cũng bị ảnh hưởng.
Với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, hỗ trợ giúp đỡ học sinh, đồng nghiệp của mình trong lúc khó khăn, ngành Giáo dục và Đào tạo đã kêu gọi toàn ngành dành một phần tiết kiệm của mình đóng góp ủng hộ, giúp đỡ các đồng nghiệp trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập; các giáo viên, nhân viên hợp đồng làm nhiệm vụ nấu ăn, giảng dạy Tin học, Ngoại ngữ trong các trường mầm non, tiểu học công lập không có thu nhập để trang trải cuộc sống do ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc kêu gọi bắt đầu thực hiện từ hôm nay 24/4.
Song song với hoạt động hỗ trợ, Công đoàn Giáo dục tỉnh cũng đã có báo cáo gửi Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Liên đoàn Lao động Nghệ An để đề xuất các cơ quan chức năng đưa danh sách cán bộ, nhà giáo, người lao động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập và cô nuôi trường mầm non, tiểu học bán trú vào diện được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đồng thời, kiến nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh giãn nộp bảo hiểm và không tính lãi suất chậm nộp trong các tháng phải nghỉ việc do dịch, trước mắt là các tháng 2, 3, 4, 5, 6/2020 và có ý kiến với Chính phủ miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian nghỉ do dịch./.