Nỗ lực vượt khó
Năm 2020, hoạt động công nghiệp - thương mại năm 2020 hết sức khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Song, với những nỗ lực, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 78.000 tỷ đồng/KH giao 80.000 tỷ đồng, đạt 97,5%KH.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,36% so với năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa thực hiện năm 2020 dự ước 68.461 tỷ đồng/KH giao 70.000 tỷ đồng, đạt 97,8%/KH. Tốc độ tăng trưởng đạt 7,5% so với năm 2019.
bna_a1389090_28122020.jpgCông nghiệp dệt may đã được đầu tư ở nhiều địa phương, thu hút nguồn lao động tại chỗ. Ảnh: Thu Huyền

Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.120 triệu USD/KH giao 1.200 triệu USD, đạt 93,33%/KH; trong đó xuất khẩu hàng hóa ước đạt 810 triệu USD/KH giao 850 triệu USD, đạt 95,3% KH. Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch, xây dựng chương trình, đề án, chính sách phát triển ngành Công Thương… tiếp tục được quan tâm chỉ đạo.

Tuy vậy, các chỉ tiêu như: Giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu và tổng mức lưu chuyển hàng hóa mặc dù tăng trưởng so với năm 2019 nhưng không đạt kế hoạch đề ra.
Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu năm 2021
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2025. 
Trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư; một số dự án trọng điểm dự kiến đi vào hoạt động đóng góp cho nền kinh tế: Nhà máy Xi măng Tân Thắng (công suất 2 triệu tấn/năm); Dự án sản xuất viên nén sinh khối của Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam và Công ty CP Năng lượng DKC (công suất 120.000 tấn SP/năm và 60.000 tấn SP/năm); Dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Luxshare - ICT (công suất 62,5 triệu SP/năm); Dự án dây chuyền sản xuất đường lỏng Glucose (công suất 150 tấn/ngày); một số dự án sản xuất hàng may mặc: Đỉnh Vàng, An Hưng, Nam Thuận…
Một số dự án trọng điểm dự kiến đi vào hoạt động. Ảnh: PV


Trên cơ sở đánh giá điều kiện cũng như các chỉ tiêu đưa ra, năm 2021, ngành tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển các ngành sản xuất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường. Tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm nhất là đổi mới phương pháp tiếp cận và xúc tiến đầu tư để thu hút các tập đoàn có quy mô lớn tạo sự lan tỏa. Nâng cao hiệu quả phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cơ sở tăng cường nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng để hấp dẫn các nhà đầu tư. Tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tham mưu đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp đang triển khai sớm đi vào hoạt động để bổ sung vào giá trị sản xuất mới tăng thêm, góp phần đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2021. 

Ông Trần Thanh Hải - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương

Bên cạnh tạo nguồn lực thu hút các dự án lớn, ngành Công Thương tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng chế biến có giá trị gia tăng cao, giảm dần xuất khẩu nguyên liệu thô và sơ chế. Tích cực, chủ động tăng cường xúc tiến thương mại nhằm khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng trọng yếu như hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng truyền tải điện, hệ thống hạ tầng thương mại... nhằm phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Tập trung đồng bộ các giải pháp
Để đạt mục tiêu đề ra, ngành Công Thương sẽ tập trung các giải pháp thực hiện, trong đó, tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch, chính sách, các chương trình, dự án phát triển công nghiệp - thương mại; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh nhà; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng. 
Sản phẩm mây tre đan do các làng nghề trên địa bàn tỉnh sản xuất. Ảnh: Thu Huyền

Đồng thời, tập trung các giải pháp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, bám sát chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Từng bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất công nghiệp hợp lý dựa vào 3 vùng kinh tế trọng điểm trong phát triển kinh tế. Tranh thủ tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, thương mại. Tập trung vận động nguồn lực để thực hiện dự án cấp điện cho đồng bào dân tộc tại các bản chưa có điện. Phối hợp, huy động mọi nguồn vốn cho đầu tư sản xuất. 

Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuỗi kinh doanh toàn cầu, phát triển công nghiệp phụ trợ; từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, làm chủ các công nghệ nhập ngoại, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm của tỉnh. Ngành cũng chú trọng nhóm các giải pháp phát triển thị trường nội địa, phát triển xuất nhập khẩu; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về hoạt động công thương...       
Các chỉ tiêu cơ bản năm 2021

- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15% so với năm 2020; 
- Giá trị sản xuất công nghiệp: 90.480 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 16% so với năm 2020;
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa:  73.000 tỷ đồng tăng 8,8%;
- Tổng kim ngạch xuất khẩu: 850 triệu USD, tăng 6,25%.