Chiều 12/12, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” (gọi tắt là Đề án 61) và Quyết định số 673/QĐ- TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020".

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 Trung ương; Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Phước Lộc - Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương đồng chủ trì hội nghị.

Tai điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

bna_xuan_hoang1307967_12122020.jpgToàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng
Trên 1 triệu hộ nghèo có nguồn lực sản xuất

Báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 Trung ương cho biết: Trong 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, Ban Chỉ đạo Đề án 61 Trung ương và các địa phương, các cấp ủy, chính quyền và Hội Nông dân đã làm tốt công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân.  

Hằng năm, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 220.000 hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 4.800 tỷ đồng. Tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động, giúp cho trên 1 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, 100 ngàn hộ nông dân thoát nghèo; thu nhập khu vực nông thôn lên mức 35,88 triệu đồng/người (năm 2018) tăng gấp 3,92 (đạt 156,8% so với mục tiêu Đề án). Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm bình quân khoảng 1,5%/năm, đến năm 2020 ước còn dưới 3%.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng

Thực hiện Quyết định số 673/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng và triển khai Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân" đạt nhiều kết quả tích cực. Hệ thống Quỹ Hỗ trợ nông dân được kiện toàn ở 3 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện.

Trong 10 năm qua, Chính phủ đã cấp 660 tỷ đồng bổ sung Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương; 63 tỉnh, thành phố đã cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp ở địa phương gần 2 nghìn tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn hệ thống Hội đến nay đạt trên 3,6 nghìn tỷ đồng.

Tại hội nghị, các địa phương đề xuất Chính phủ một số kiến nghị: Tiếp tục ban hành những chính sách mới để nông thôn tiếp cận thoát nghèo nhanh hơn nữa; Tiếp tục thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cần có cơ chế cụ thể để hội nông dân các cấp được tham gia trực tiếp những chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của hội...
Tỷ lệ hộ nghèo của Nghệ An còn 3%

Để triển khai thực hiện Kết luận 61 –KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ trướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân trong tỉnh trực tiếp và phối hợp tham gia một số chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa; cấp kinh phí bổ sung nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, hỗ trợ kinh phí để xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, phối hợp để Hội Nông dân giám sát, phản biện các cơ chế, chính sách có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nông dân huyện Diễn Châu sản xuất vụ đông. Ảnh: Xuân Hoàng

Từ năm 2012 đến nay, 21/21 đơn vị cấp huyện đã được UBND trích ngân sách cấp bổ sung nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp hội trong tỉnh xây dựng, phát triển quỹ Hội và Quỹ Hỗ trợ nông dân. Kết quả, tính đến ngày 30/10/2020, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trong toàn tỉnh đang quản lý là 68.354 triệu đồng. Nguồn vốn trên đã tập trung đầu tư xây dựng được 261 mô hình sản xuất, kinh doanh cho 2.023 hộ hội viên nông dân vay vốn.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân hàng năm đạt 4,47%, xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH ở khu vực nông thôn ngày càng được đổi mới theo chuẩn nông thôn mới: Tổng số km giao thông đã xây dựng, nâng cấp được trên toàn tỉnh 10.370,4 km, đã làm được 3.349 km kênh mương các loại, cải tạo, nâng cấp hàng trăm công trình thủy lợi.

Toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp được 5.528,7 km đường điện các loại; có 992/1.452 trường học các cấp đạt chuẩn Quốc gia. Tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn đạt 84,5%... Đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 3%; bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn ước đạt trên 22,6 triệu đồng/người/năm. Toàn tỉnh đã có 246 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Một góc NTM xã Sơn Thành (Yên Thành). Ảnh: Xuân Hoàng

Nông dân là trụ đỡ quan trọng trong nền kinh tế thị trường

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chỉ đạo thực hiện của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 và các cấp hội nông dân trong 10 năm qua. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra một số tồn tại, đó là: Tính đồng bộ chưa cao; vẫn còn một số cấp ủy chưa thành lập Ban Chỉ đạo 61; một số nơi chưa lập quỹ hỗ trợ nông dân. Vẫn còn tình trạng một số trung tâm đào tạo nghề bất cập trong đào tạo nghề cho nông dân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Xác định nông dân là trụ đỡ quan trọng trong nền kinh tế thị trường, giai đoạn tới, các cấp hội nông dân cần tiếp tục xây dựng một lớp nông dân mới, áp dụng KHCN, đổi mới tư duy, cách làm. Hội Nông dân Việt Nam cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên, nhân dân và hội viên nông dân về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội nông dân, trong đó, cần quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc biệt là đoàn kết trong nông thôn để nông dân làm giàu chính đáng, với những nghề nghiệp phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ mong rằng, trong giai đoạn phát triển mới, Hội Nông dân Việt Nam cũng như phong trào nông dân cả nước phát huy truyền thống tốt đẹp, tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa để đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triểm bền vững của đất nước.