Trước phản ánh của nhiều doanh nghiệp khó khăn tiếp cận gói tín dụng lãi suất thấp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng đơn giản hóa thủ tục để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Ngân hàng cần xử lý các chi nhánh, cán bộ thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, chậm trễ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, không nới lỏng điều kiện cho vay nhằm đảm bảo an toàn tín dụng và hoạt động lành mạnh của ngành ngân hàng.
Với quy mô đăng ký ban đầu 250.000 tỷ, sau đó lên 285.000 tỷ đồng, đến nay các nhà băng đã mở rộng gói cho vay lãi suất thấp lên gần 600.000 tỷ đồng.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Vietcombank cho biết, đa phần doanh nghiệp phản ánh không tiếp cận được vốn là những đơn vị không có phương án kinh doanh đảm bảo, không có vốn tự có... Các ngân hàng không thể giảm chuẩn tín dụng trong môi trường này vì sẽ để lại nhiều rủi ro.
Trên thực tế, nguồn vốn của gói hỗ trợ tín dụng là do các ngân hàng thương mại bỏ ra, không phải đến từ ngân sách Nhà nước. Theo các chuyên gia, mục đích gói tín dụng ưu đãi là nhằm hỗ trợ về mặt giảm lãi suất, không đồng nghĩa việc phải cứu doanh nghiệp khó khăn bằng cách cho vay kể cả khi họ không chứng minh được khả năng trả nợ.
Viện trưởng Viện phát triển kinh tế TP HCM, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng bản thân các ngân hàng cũng sẵn sàng giảm lãi, nhưng họ phải đảm bảo an toàn cho khoản vay. Nếu ngân hàng cho vay không có điều kiện hoặc dưới chuẩn trong bối cảnh nhiều rủi ro như hiện nay thì lấy tiền đâu để trả cho người gửi tiết kiệm khi không thu hồi được nợ.
Ông Ngân nhận định thêm, ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh và rất sợ không thu hồi được vốn, phát sinh nợ xấu nên họ cần phải đảm bảo được hài hòa lợi ích giữa người cho vay và người đi vay. Ông cho hay, nếu ngân hàng vỡ trận còn nguy kịch gấp nhiều lần, tương tự như những gì chúng ta đã chứng kiến trong cuộc khủng hoảng năm 2008-2009 khi cục nợ xấu để lại ảnh hưởng trong suốt thời gian dài.
Ngân hàng không phải là nguồn lực duy nhất hỗ trợ doanh nghiệp. Vì thế, chuyên gia Trần Hoàng Ngân cho rằng, nếu muốn cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đã khó khăn tiếp cận vốn vay, Chính phủ cần tính đến việc thêm vốn cho quỹ bảo lãnh tín dụng. Việc các ngân hàng thương mại cơ cấu lùi hạn trả nợ cũng như Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay lãi suất 0% để trả lương là giải pháp tốt giúp ích cho doanh nghiệp, tuy nhiên theo chuyên gia cần triển khai nhanh và dễ dàng để họ tiếp cận được.