Dấu hiệu của sự thiện chí

Đêm 7/9, Nga và Ukraine đã tiến hành trao đổi tù nhân cho nhau, một việc làm được chờ đợi từ lâu. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, tất cả các tù nhân trong cuộc trao đổi này đã được chuyển đến các điểm được thỏa thuận trước đó 1 ngày.

Trước đó, ông Zelensky đã ký các lệnh ân xá cho 12 công dân Nga bị kết án và đang thụ án ở Ukraine. Chính quyền Ukraine cho biết, thủ tục sẽ được tổ chức theo định dạng 35 đổi 35 hoặc 42 đổi 40. 

13124798_892019.jpgTổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đón các tù binh được Nga trao trả về nước ngày 7/9. Ảnh: AP

Ngay sau khi việc trao đổi tù nhân diễn ra, các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine đã đưa ra những đánh giá tích cực về sự kiện này. Phát biểu ngày 7/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định đây là bước đi đầu tiên trong một tiến trình nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại khu vực Donbass, miền Đông Ukraine.

Ông cũng bày tỏ hy vọng một cuộc gặp 4 bên của nhóm Bộ tứ Normandy, giữa Ukraine với Nga, Pháp và Đức, sẽ sớm giúp giải quyết xung đột với lực lượng đòi độc lập ở miền Đông.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đánh giá thỏa thuận trao đổi tù nhân là "một bước đi lớn hướng tới bình thường hóa quan hệ" giữa Mockva và Kiev.

Thủ tướng Đức Angela Merkel - một đối tác quan trọng của tiến trình hòa bình ở miền Đông Ukraine cũng hoan nghênh sự kiện trao đổi tù nhân này là "dấu hiệu của hy vọng". Bà đồng thời kêu gọi các bên thực thi thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 2015 mà Pháp và Đức đóng vai trò trung gian. 

Dù được chờ đợi từ lâu nhưng vấn đề trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine chỉ được đẩy nhanh sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên nắm quyền. Vài tuần trước, hai bên đã tiến hành đàm phán để thỏa thuận danh sách trao đổi.

Tổng thống Ukraine Zelensky.

Ngày 5/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, cuộc đàm phán sắp kết thúc và đây có thể là bước tiến trong quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước. Đây là bước đi nhỏ, nhưng cần thiết để cả Nga và Ukraine tin rằng phía bên kia có thiện chí phục hồi quan hệ.

Kể từ khi rơi vào khủng hoảng từ năm 2014, khi Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea và nổ ra cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, hai nước láng giềng này gần như đã cắt đứt mọi sự hợp tác, đối thoại. Giao tranh còn làm hơn 13.000 người thiệt mạng trong 5 năm, đồng thời kéo theo việc phương Tây tiến hành bao vây, cấm vận nhằm vào Nga. 

 

Bài toán khó với Zelensky

Một trong những ưu tiên khi lên nhậm chức của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là cải thiện quan hệ với Nga và thúc đẩy tiến trình hòa bình tại miền Đông. Đó trước hết là vì lợi ích chiến lược lâu dài với Ukraine.

Thứ nhất, cải thiện quan hệ với Nga là vì nguyện vọng của người dân Ukraine. Đã 5 năm kể từ cuộc cách mạng ở Quảng trường Maidan tại Kiev, nhưng khu vực Donbass thuộc Ukraine vẫn ở trong trạng thái đối đầu và xung đột quân sự.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: RT

Với sự kích động của cuộc khủng hoảng ở Crimea và xung đột ở Donbass, các đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan lần đầu tiên tiến vào Quốc hội Ukraine năm 2014, trở thành một trong những nhân tố quan trọng tác động tới chính sách đối ngoại của quốc gia này.

Sự lan rộng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan khiến ngoại giao Ukraine thiếu đi tính linh hoạt, làm hạn chế không gian lựa chọn chính sách thông qua các biện pháp ngoại giao để giải quyết xung đột.

Sau khi phải trả giá lớn về chi phí an ninh và thời gian, người ta đã chứng kiến những sự thay đổi của dư luận Ukraine theo hướng lý trí hơn. Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Ukraine đã cho thấy các lực lượng chính trị chủ trương đối thoại với Nga, thực hiện cải cách đất nước đã chiếm ưu thế. 

Tiếp đến, duy trì quan hệ tốt với Nga liên quan đến an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Thực tế, trong vấn đề an ninh ở khu vực Donbass thuộc miền Đông,  Kiev luôn ở thế yếu nếu so sánh về tiềm lực quân sự.

Và nếu tình hình ly khai và xung đột tiếp diễn, khu vực Donbass có thể bị tách khỏi bản đồ Ukraine mãi mãi. Hồi tháng 4, Nga đã tuyên bố đơn giản hóa thủ tục để người dân Donbass nhập quốc tịch Nga.

Đó là thông điệp với Kiev rằng: Chính quyền trung ương Ukraine phải khởi động lại tiến trình chính trị để giải quyết xung đột ở Donbass, nếu không tình hình sẽ tiếp tục xấu đi.

Việc bình thường hóa quan hệ với Nga còn liên quan trực tiếp tới các lợi ích kinh tế. Căng thẳng kéo dài 5 năm qua buộc Nga phải tính toán tới các dự án trung chuyển khí đốt sang châu Âu khác nhằm giảm sự phục thuộc vào Kiev.

Và tới giờ, họ đã thành công với các đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và sắp tới là Dòng chảy phương Bắc 2. Giám đốc điều hành của công ty Dầu mỏ và Khí đốt quốc gia Ukraine (Naftogaz) Andriy Kobelev cho rằng, chỉ riêng Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ gây thiệt hại kinh tế khoảng 3 tỷ USD/năm, tương đương 3% GDP của Ukraine. 

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 khi hoàn thành sẽ gây thiệt hại kinh tế khoảng 3 tỷ USD/năm, tương đương 3% GDP của Ukraine. Ảnh: Inforos

Ngày 31/12  tới, thỏa thuận vận chuyển năng lượng giữa Nga và Ukraine sẽ hết hiệu lực và nếu không được gia hạn, Ukraine không chỉ mất đi nguồn thu từ phí quá cảnh khí đốt mà còn đối mặt với thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung năng lượng. 

Tuy vậy, dù muốn thúc đẩy cải thiện quan hệ với Nga, chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky còn phải đối mặt không ít trở ngại. Đó là chủ nghĩa dân tộc và tâm lý bài Nga đã ăn sâu vào ý thức chính trị của xã hội Ukraine. Nó khiến các lựa chọn chính sách trở nên kém linh hoạt và sáng suốt.

Thêm vào đó, việc “hạ nhiệt” với Nga cũng có nghĩa mất đi sự ủng hộ của các nước lớn phương Tây, vốn hy vọng Ukraine sẽ là công cụ để kiềm chế nước Nga hùng mạnh. Lựa chọn nào cũng phải trả giá, nhưng giá nào là có thể chấp nhận được. Câu hỏi đang chờ đợi Tổng thống Zelensky trong nhiệm kỳ này./.