Theo RT, đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc 2, một dự án chung giữa ông lớn năng lượng Nga Gazprom và 5 công ty của châu Âu, đã bị Quốc hội Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt hồi tháng 12 năm ngoái. Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó đã ra tối hậu thư với các công ty châu Âu hoạt động trong dự án này rằng: “lập tức ngừng ngay hoạt động liên quan đến việc xây dựng”.
Cảnh báo trên đủ để khiến công ty lắp đặt đường ống Allseas Group SA của Thụy Sỹ chùn bước, và với số còn lại, theo tờ báo chuyên về kinh doanh của Đức Handelsblatt đưa tin tháng này, thêm một dự luật về các đòn trừng phạt khác đang được cân nhắc tại Washington.
Với khoảng 160 km đường ống chưa hoàn thành, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette nói với Bloomberg hôm 15/2 rằng “sẽ phải trì hoãn rất lâu, vì Nga không sở hữu công nghệ” để hoàn tất đường ống nếu không có chuyên môn của Allseas.
Nhưng hôm 16/2, trao đổi với kênh tin tức kinh doanh RBK của Nga, người phát ngôn của Gazprom là Sergei Kupriyanov trả lời: “Đừng bao giờ nói không bao giờ”.
Những nỗ lực trừng phạt của Mỹ có thể trì hoãn việc hoàn thiện đường ống dẫn, nhưng có thể thực tế sẽ chứng minh Kupriyanov nói đúng. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cuối năm ngoái thông báo rằng 160 km còn lại sẽ được một tàu lắp đặt đường ống của Nga hoàn tất, và tàu này hiện đang trong hành trình tới Biển Bắc từ bờ Đông của Nga. Moskva hiện ước tính đường ống nói trên sẽ hoàn thành muộn nhất vào đầu năm 2021.
Khi đã hoàn tất, Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ cung cấp cho châu Âu tới 55 tỷ mét khối khí tự nhiên mỗi năm, ngoài con số 55 tỷ mét khối mỗi năm hiện được bơm qua Dòng chảy phương Bắc 1 kể từ năm 2011. Việc hoàn thiện đường ống này sẽ biến Đức thành một trung tâm khí đốt khu vực, và sẽ khiến Washington bị đẩy ra khỏi việc cung cấp nhu cầu khí đốt của châu Âu.
Chính quyền Trump đã tìm cách để thuyết phục các quốc gia châu Âu không sử dụng khí đốt của Nga với lời hứa “các phân tử tự do” - Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển qua Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, đề nghị của Washington không nhận được nhiều quan tâm tại châu Âu, do chi phí cao hơn nếu so với sản phẩm của Nga. Trong khi Ba Lan đã tăng nhập khẩu khí đốt của Mỹ, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chỉ trích các đòn trừng phạt của Mỹ và cam kết sẽ ủng hộ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 cho tới lúc hoàn thành. Các nước châu Âu duy nhất đứng về phía Washington gồm Ukraine và Ba Lan, hiện đang tính phí trung chuyển đối với Nga để vận hành đường ống ngầm trên lãnh thổ của họ.
Dự án này “sẽ được hoàn thành bất chấp tất cả những mối đe dọa này”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định hồi tháng 12. “Các nước châu Âu hiểu rõ lợi ích thương mại của họ… và họ quan tâm đến việc bảo đảm an ninh năng lượng dài hạn”.