“Chiến thắng thần tốc”

Đó là nhận định của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria sau khi quân đội chính phủ Syria giải phóng hoàn toàn thành phố Aleppo, qua đó đặt dấu chấm hết cho các cuộc pháo kích của khủng bố vào thành phố lớn thứ hai của nước này.

Chiến thắng này có ý nghĩa rất quan trọng đối với chính quyền Syria, bởi Aleppo là một trong những thành trì khó khăn nhất mà quân đội chính phủ Syria đã mất 9 năm với nhiều chiến dịch được thực hiện nhằm giành quyền kiểm soát.

quan_doi_syria_kiem_soat_hoan_toan_aleppo_anh_sputnik8181828_1722020.jpegQuân đội Syria kiểm soát hoàn toàn Aleppo. Ảnh: Sputnik

Aleppo đã từng được giải phóng năm 2016 trong một chiến dịch phối hợp chung giữa các lực lượng quân sự Nga và Syria nhưng các phe phái chống chính phủ vẫn bám trụ ở các địa bàn ngoại ô và làng mạc gần đó. Từ đây, chúng thường xuyên phát động các cuộc pháo kích vào trung tâm thành phố gây nhiều thiệt hại cho cả dân thường và cơ sở vật chất.

Việc giải phóng hoàn toàn Aleppo đồng nghĩa với các tuyến đường huyết mạch của đất nước nối hai miền nam bắc của Syria được khai thông, mở ra sự kết nối giữa Damascus với trung tâm kinh tế lớn nhất vùng phía Bắc đất nước. Chiến thắng ở Aleppo cũng sẽ mở đường thuận lợi cho quân đội Syria tiến về Idlib - thành trì quan trọng cuối cùng. Đây là lãnh thổ có vai trò rất quan trọng khi kiểm soát phần lớn dầu mỏ và là nguồn thu quan trọng nhất của chính quyền Tổng thống Assad và là địa bàn chiến lược về an ninh tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Đó là chưa kể đây là thành trì cuối cùng của các lực lượng đối lập, khủng bố, cực đoan mà Syria cũng muốn giải phóng hoặc kiểm soát hoàn toàn. Do đó, nếu giải phóng hoặc kiểm soát hoàn toàn Idlib, đồng nghĩa với việc chính quyền Syria với sự hậu thuẫn của Nga và Iran đã chiến thắng cả trên thực địa lẫn trên bàn cơ khu vực, quốc tế.

Người dân, binh sĩ Syria ăn mừng sau khi giải phóng thành phố Aleppo. Ảnh: BBC

Thời cơ đã đến?

Thực tế, Idlib luôn là một trong những điểm “nóng” nhất trong bản đồ chiến sự Syria kể từ năm 2011 khi nội chiến nổ ra và các lực lượng chống chính phủ cũng như khủng bố kiểm soát vùng đất này. Cùng với các thành phố trọng điểm khác, chính phủ Syria luôn tìm cách giải phóng Idlib bằng nhiều chiến dịch quân sự khác nhau nhưng không thành công.

Năm 2018, dưới một thỏa thuận của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, chính quyền Syria cam kết ngừng bắn ở Idlib nhằm tạo ra một khu vực phi quân sự tại đây để các nhóm đối lập rút lui. Tuy nhiên, tháng 4/2019, Damascus lại tiến hành chiến dịch do không lực Nga hỗ trợ.

Nhiều thỏa thuận ngừng bắn sau đó sụp đổ và đến tháng 12/2019, các lực lượng trung thành với chính phủ lại đẩy mạnh các chiến dịch trên không và trên bộ. Mâu thuẫn tiếp tục leo thang tại Idlib khi quân chính phủ Syria tổ chức các đợt tấn công khiến nhiều binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong gần 1 tháng qua. Nga và Syria cho biết chiến dịch tại đây nhằm vào những tay súng nổi dậy, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc họ nhằm vào cả dân thường.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (phải) gặp chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani hôm 16/2. Ảnh: AP

Vấn đề nằm ở chỗ Idlib không giống những vùng lãnh thổ khác của Syria. Trận địa này là một “bàn cờ” rắc rối và phức tạp nơi phản ánh rõ nét nhất về một cuộc chiến ủy nhiệm ở Syria, một bên là Syria được Nga và Iran hậu thuẫn, một bên là các phe đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ hậu thuẫn. Đặc biệt, với Thổ Nhĩ Kỳ, Idlib có thể coi là vùng đệm về an ninh của nước này.

Trước hết, với việc kiểm soát Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giảm bớt mối đe dọa về an ninh và nguy cơ tấn công của lực lượng người Kurd ở Syria và lực lượng Đảng công nhân người Kurd mà nước này coi là khủng bố. Thứ hai, sự can thiệp này là bài toán để mặc cả với EU về vấn đề người tị nạn từ Syria vào châu Âu, cũng như mặc cả với Nga, Mỹ trong nhiều vấn đề khác liên quan tới an ninh, quân sự và kinh tế.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi Idlib, nó sẽ gây nguy hiểm cho tất cả các khu vực mà các lực lượng nước này đã giải phóng khỏi các nhóm khủng bố. Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn để mất tầm kiểm soát ở Idlib, bởi như vậy sẽ làm suy yếu chiến lược an ninh quốc gia của quốc gia này.

Đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Idlib. Ảnh: Hidayat

Trước nguy cơ này, Tổng thổng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ra tối hậu thư tuyên bố: đến cuối tháng 2 này, nếu quân chính phủ Syria không rút hết toàn bộ khỏi Idlib thì “quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động” và có thể tấn công bất cứ vùng đất nào của Syria. Với tầm quan trọng của Idlib, lời cảnh báo của ông Erdogan có lẽ không phải “nói suông”.

Chính vì thế, nguy cơ một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Syria đang ngày càng hiện hữu, nhất là sau khi quân đội của Tổng thống Assad giành chiến thắng ở Aleppo và đang tiến về Idlib, coi đây là thời cơ thuận lợi để giải phóng hoàn toàn đất nước. Nhưng liệu Nga với vai trò đồng minh của Syria có để Thổ Nhĩ Kỳ triển khai một trận quyết chiến ở Idlib? Với vai trò “kiểm soát cuộc chơi”, Nga chắc chắn sẽ là bên quyết định cuối cùng cho “số phận” của Idlib.  Và các cuộc đàm phán trong hơn 1 tuần qua và cuộc họp quan trong ngày 17/2 giữa các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Nga  được cho có vai trò quyết định đến số phận của Idlib.

Theo giới quan sát, Idlib suy cho cùng vẫn là lãnh thổ của Syria và việc Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Syria ngưng chiến dịch mà họ cho là “dẹp loạn khủng bố” được cho là không thuyết phục. Chính vì thế việc Ankara “làm găng” chẳng qua là gây sức ép với Nga trên bàn đàm phán để đạt được một thỏa thuận mới, ở đó Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục có sự hiện diện tại Idlib theo một hình thức nào đó.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - hai lực lượng ủy nhiệm quyết định bàn cờ chính trị Syria. Ảnh: Getty

Bởi nếu mất hoàn toàn quyền kiểm soát ở Idlib đồng nghĩa các vùng khác mà Thổ Nhĩ Kỳ giành được sau 3 chiến dịch “tấm Khiên Euphrates”, “Nhành Ô liu” và “Mùa xuân Hòa bình” coi như “đổ sông đổ bể”. Hơn nữa, Ankara sẽ chẳng được lợi gì nếu tấn công Syria và đối đầu trực tiếp với Nga. Bởi Ankara vẫn cần Mockva để ngăn chặn dòng người tị nạn mới ở tây bắc Syria. Mối quan hệ với Nga cũng rất quan trọng trong việc thúc đẩy lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Kurd ở phía đông Euphrates.

Chiến sự ở Syria hiện nay cho thấy, lực lượng chính phủ của Tổng thống Assad và Nga đang ở thế chủ động, do đó việc chọn “cái kết” cho cuộc chiến tại Idlib đã nằm trong tính toán của “người cầm trịch”!