Tổng thống Nga Putin quyết định ngừng tuân thủ hiệp ước INF

ttxvn_tenluanga.jpgHệ thống tên lửa đạn đạo Iskander của Nga. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Ngày 2/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này quyết định ngừng tuân thủ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nhằm đáp trả quyết định tương tự từ phía Mỹ.

Phát biểu tại cuộc họp với các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng nước này, Tổng thống Putin cho biết: "Đối tác Mỹ đã tuyên bố ngừng tuân thủ INF và chúng ta cũng ngừng tuân thủ như vậy". Nhà lãnh đạo Nga cho biết nước này sẽ bắt tay vào việc chế tạo tên lửa mới, trong đó có tên lửa siêu thanh, đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Nga không đối thoại với Mỹ về vấn đề giải trừ vũ khí.

Động thái trên của Nga diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/2 tuyên bố Washington rút khỏi INF với lý do "Moskva đã vi phạm hiệp ước này".

Liên hợp quốc chỉ hợp tác với chính phủ được công nhận của Venezuela

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: NPR

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 1/2 tuyên bố chỉ hợp tác với chính phủ được công nhận của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Sự ủng hộ của người đứng đầu thể chế đa phương lớn nhất thế giới này có ý nghĩa biểu tượng cao, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Venezuela đang phải đối mặt với nhiều sức ép cả ở trong và ngoài nước. 

Trump muốn chấm dứt mọi chiến dịch quân sự tại nước ngoài

Lính Mỹ tuần tra tại căn cứ Quân đội quốc gia Afghanistan ở tỉnh Logar hồi tháng 8. Ảnh: Reuters.

"Nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, Tổng thống sẽ thông báo cho quốc hội về những nỗ lực ngoại giao và quân sự của ông trên toàn thế giới, đồng thời tái khẳng định quyết tâm bảo vệ lợi ích của Mỹ và chấm dứt các cuộc chiến dài vô tận ở nước ngoài", Sputnik ngày 1/2 dẫn tuyên bố quan chức cấp cao Mỹ đề cập đến nội dung mà Tổng thống Donald Trump sẽ đưa ra trong Thông điệp Liên bang sắp tới.

Theo quan chức trên, bài phát biểu thường niên của Trump tại quốc hội ngày 5/2 cũng tập trung vào các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng bế tắc liên quan đến kế hoạch xây tường tại biên giới với Mexico.

5 binh sĩ Philippines thiệt mạng khi giao chiến với khủng bố

Binh sĩ Philippines cùng xe thiết giáp lập vành đai bên ngoài khu vực nhà thờ bị đánh bom khủng bố sáng 27/1 - Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters dẫn thông báo từ quân đội Philippines cho biết họ chỉ bắn hạ được 3 tay súng của Abu Sayyaf trong cuộc giao chiến diễn ra vào trưa 2/2, trong khi bên quân đội thiệt mạng 5 và bị thương 5.

Có khoảng 150 tay súng của Abu Sayyaf đang cố thủ tại thị trấn Patikul của tỉnh Sulu, theo lời trung tá Gerry Besana - phát ngôn nhân của Bộ tư lệnh Tây Mindanao.

Trung tá Besana cho biết cuộc giao chiến dữ dội đã kéo dài trong khoảng 2 giờ. Báo cáo của quân đội Philippines cũng cho biết bên Abu Sayyaf cũng bị thương 15 tên, trong đó có tên Idang Susukan, phó tướng của Sawadjaan.

Động đất 6,1 độ tấn công đảo ở tây Indonesia

Tâm chấn động đất (dấu sao) thuộc quần đảo Mentawai. Ảnh:USGS.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết động đất xảy ra ngày 2/2 ở tỉnh Tây Sumatra, cách thị trấn Tuapejat khoảng 100 km về phía đông nam và cách thành phố cảng Padang khoảng 200 km về phía nam, theo AFP. 

Chính quyền khu vực đang đánh giá tác động. Tâm chấn động đất dưới mặt đất 10 km, không có cảnh báo sóng thần. "Có thể cảm nhận động đất rõ rệt ở Tuapejat. Chúng tôi đang đánh giá tác động nhưng nhìn chung mọi thứ vẫn an toàn", Akmal, trưởng ban tìm kiếm cứu hộ đảo Mentawai cho hay. 

Động đất khiến người dân ở Padang, bờ tây Sumatra, hoảng loạn trong vài phút. "Lúc đó rất đáng sợ. Đây là trận động đất thứ hai mà chúng tôi cảm nhận được hôm nay. Nhà cửa rung bần bật, chúng tôi phải chạy ra ngoài", Ira, một người dân ở Padang kể lại.