Đại diện của Chính phủ Đức trong lĩnh vực hợp tác với Nga - Dirk Wiese mới đây đã chia sẻ trên sóng kênh truyền hình ARD cho hay, Đức kiên quyết ủng hộ dự án Nord Stream-2 bất chấp các khả năng bị trừng phạt là do bản thân đối tác Nga.
Theo đó, ông Dirk Wiese cho rằng, Nga là nhà cung cấp đáng tin cậy. Điều này khiến Đức ủng hộ dự án đường ống dẫn khí đốt của Nga và đảm bảo việc quá cảnh khí đốt của Ukraine diễn ra đúng kế hoạch. Quá cảnh khí đốt qua Ukraine là một trong những điều kiện giúp dự án Nord Stream-2 né được trừng phạt từ phía Mỹ. "Nga luôn là nhà cung cấp đáng tin cậy, và cho đến thời điểm này điều đó vẫn đúng" - ông Wiese lưu ý.
Ông Wiese nhấn mạnh, Đức đang có kế hoạch từ bỏ than đá và nguyên tử, và sẽ sử dụng khí đốt trong 20 năm tới. Nga vẫn là đối tác mà Berlin cần để "đảm bảo 100% năng lượng, và chúng tôi cần khí đốt tự nhiên cho giai đoạn chuyển tiếp".
Trước đó, trong thông điệp gửi tới các lãnh đạo quốc gia tại Diễn đàn Davos, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tuyên bố rằng, Đức muốn từ bỏ than và nguyên tử. Berlin không thể làm gì được nếu không có khí đốt của Nga.
Đối với chính quyền Berlin, dự án xây dựng tuyến đường ống khí đốt Nord Stream-2 tất nhiên là một dự án kinh tế quan trọng đối với cả Nga và Đức và nước này sẽ không bao giờ từ bỏ dự án có lợi cho đất nước.
Theo người đứng đầu Bộ Kinh tế của Đức là ông Peter Altmayer nói với tờ báo Handelsblatt, Nord Stream-2 "không phải là cậu bé để bị đánh" và nhấn mạnh rằng, chính phủ Đức không có cơ sở pháp lý nào để can thiệp vào việc xây dựng Nord Stream-2 bởi được đặt ở ngoài biển.
Quốc hội Đức cũng đồng tình với quan điểm của giới lãnh đạo là đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc-2” không mang tính chất chính trị, nó không dẫn tới tình trạng châu Âu bị phụ thuộc vào Nga về năng lượng, mà là sự phụ thuộc lẫn nhau của cả hai bên.
Ông Yuri Solozobov - người đứng đầu trung tâm Chính sách năng lượng quốc tế trong cuộc trò chuyện với RT đã đưa ra lời bình luận, những chỉ trích từ phía Mỹ đối với dự án Nord Stream-2 là chỉ nhằm tìm kiếm lợi ích cho Mỹ.
Trong tình huống này, Mỹ muốn trở thành “nhà phân phối chính” hay "nhà điều hành tổng thể của thị trường khí đốt ở châu Âu".
Hiện nay, Mỹ đang áp đặt chính sách đối ngoại và định hướng chính trị đối với châu Âu. Nếu trong tương lai, Washington tiếp tục phá vỡ quan hệ hợp tác năng lượng giữa Nga với EU, nắm quyền chi phối phần lớn thị trường khí đốt châu Âu thì sự phụ thuộc của các thành viên EU vào Mỹ còn lớn hơn nữa.