(Baonghean) Ông Vi Văn Đậu - Chủ tịch UBND xã Nga My, xã xa nhất của huyện miền núi Tương Dương, tâm sự: Trước đây, Nga My giàu nhờ rừng nhưng nay rừng giàu đã thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù - Huống, dân bản không được khai thác. Nguồn thu cho cuộc sống dựa vào cây lúa nước vì lúa rẫy hiện đang bị hạn chế, 8 bản chỉ luân canh một diện tích nhỏ.
Mục tiêu là thâm canh lúa nước trừ những bản không có đất bằng như Văng - môn, Xốp -kho…, nhưng quỹ đất gieo cấy được lúa nước cũng chẳng nhiều (trên 90 ha). Bằng cách gì để bảo đảm lương thực cho 4.486 khẩu? Lãnh đạo xã đã nghĩ đến cấy lúa lai nếu đủ nước tưới sẽ đạt sản lượng 470 tấn, đưa bình quân lương thực lên 104 kg/người/năm.
Thiếu nước, đồng ruộng Nga My nứt nẻ.
Trồng lúa lai thì cần đủ nước tưới, năm 2000, nhờ có công trình đập thủy lợi Bản Chon với năng lực tưới 2/3 diện tích lúa nước (xã Nga My cũ), nên đồng ruộng tươi tốt. Nhưng đến nay người đông, đất bạc màu, diện tưới thu hẹp dần. Một mặt do nước nguồn cạn kiệt do nạn phá rừng; mặt khác do đỉnh đập thấp xuống, chứa ít nước, công trình đầu mối xuống cấp, kênh mương dẫn tới ruộng các bản xa như bản Pột mặt nước thấp hơn mặt ruộng. Vừa qua Sở NN và PTNT khảo sát cách giải quyết nước tưới cho vùng bản Pột bằng cách xây dựng 2 trạm bơm chuyền, nhưng đến nay chưa có nguồn đầu tư. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vụ chiêm xuân 2012 toàn xã không cấy hết diện tích (chỉ đạt 86 /97 ha). Thậm chí ngay cả nơi cấy năng suất lúa cũng giảm vì thiếu nước khi lúa trổ.
Ông Ví Di Tím ở đội 2, bản Pột, Hội trưởng Hội Người cao tuổi bức xúc: “Nếu không giải quyết được nhu cầu nước tưới và nước sinh hoạt cho bản ta, bà con lại vào khe Bột , khe Bai làm rẫy!”. Ở bản Văng Môn vừa có 3 người chết, 7 người bị thương do đi đãi vàng kiếm sống bị sập hầm cũng vậy. Ông Lương Văn Thái - Trưởng bản phản ánh: “Trước đây, bản có 92 hộ người Ơ đu định cư, nay chỉ còn 89 hộ. Bản ta khi định cư, dự án đã làm công trình thủy lợi Khe Vặc, đủ nước sinh hoạt nhưng nay thiếu nước do rừng đầu nguồn bị chặt phá, 30 hộ không có nước sinh hoạt như: nhà ông Lò Bá Thủy, bà Lương Thị Lợi, ông Lò Văn Hoàng… Họ không có nước dùng, phải xuống khe chắt từng can hay xuống nhà thấp xin nước ăn”.
Ông Lô Hải Hưng ở bản Cánh cho biết thêm: Bản có một cánh đồng nhỏ nhưng nước tưới không đảm bảo, về mùa lúa trổ năm nào cũng có một phần đồng lúa nghẹn đòng. Nếu đủ nước thì có thể thâm canh đưa sản lượng lên gấp đôi hiện nay. Còn ông Lộc Văn Xuyền, bản Na Khó thì than phiền: “Bản có 10 ha ruộng nước nhưng chờ nước trời. Làm ăn bấp bênh, nhiều thửa ruộng xa, cấy cây lúa xuống chưa kịp bén rễ thì đất đã nứt nẻ. Không ít vụ lúa cấy cho trâu bò ăn”.
Từ bản Bay, nhìn những đám ruộng sát ven sông với những guồng nước cũ kỹ, nặng nề quay đưa nước lên tưới ruộng, anh Lữ Khăm Phon - Phó Chủ tịch UBND xã nói: “Người Nga My rất siêng năng, chịu khó, đất ở đây tốt, nếu có đủ nguồn nước, bằng công trình thủy lợi và máy bơm điện thay cho những cái guồng cũ kỹ kia, nhất định lúa sẽ tốt, đời sống bà con sẽ no đủ”.
Nga My nghèo do thiếu nước
Hoàng Chỉnh