(Baonghean) ­Sau một quá trình chuẩn bị tích cực, Hội thi “Tìm hiểu pháp luật dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An” đã diễn ra và gặt hái được nhiều thành công. Hội thi do Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức nhằm hướng tới mục tiêu tuyên truyền, phổ biến để nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, từng bước hình thành nếp sống và làm việc theo pháp luật đối với đồng bào.

Hội thi đã thu hút 10 đội đến từ 10 huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (gồm Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Thanh Chương và Tương Dương). Hầu hết các đội đều đầu tư trang phục, đạo cụ kỹ càng và tích cực tập luyện để tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong đội. Ngoài phần thi giao lưu với khán giả, nội dung hội thi có 3 phần chính: Thi chào hỏi, thi lý thuyết (bắt thăm, trả lời câu hỏi) và tiểu phẩm. Phần thi chào hỏi là một cơ hội để các đội tham gia hội thi giới thiệu và quảng bá về quê hương mình. Phần thi lý thuyết đi vào tìm hiểu đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong đó tập trung vào các quy định về đất đai, bảo vệ và phát triển vốn rừng, biên giới quốc gia, khiếu nại tố cáo, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em, phòng chống ma túy..., từ đó, liên hệ thực tế ở địa phương mình.

780713_small_80506.jpg

                                          Màn chào hỏi của đội Nghĩa Đàn.

Phần thi được đông đảo khán giả chờ đợi nhất là tiểu phẩm. Trên cơ sở nội dung các chủ trương, chính sách và các quy định của pháp luật ở phần thi lý thuyết, các đội phải xây dựng những tình huống cụ thể tìm cách giải quyết. Xuất phát từ tính cụ thể, trực quan và sinh động, tình huống các đội đưa ra hoàn toàn sát thực với cuộc sống diễn ra hàng ngày trong mỗi gia đình, mỗi bản làng. Có những điều tưởng chừng như rất bình thường, nhưng nhiều người không hiểu đó là vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết. Có những tiểu phẩm nổi bật như: “Chuyện nhà Mau” của đội Tương Dương, “Rừng ơi” của đội Qùy Châu, “Chưa quá muộn” của đội Kỳ Sơn, “Khói lam chiều ở bản” của đội Tân Kỳ... Người xem đánh giá cao tình huống đặt ra, cách dàn dựng bối cảnh cũng như lời thoại trong tiểu phẩm “Chuyện nhà Mau”.

Ngôi nhà sàn bên sườn núi của vợ chồng anh Mau luôn có tiếng cãi vã, chửi bới. Khi đuối lý, anh chàng Mau đuổi đánh vợ một cách tàn nhẫn, mặc cho lời van xin của cô con gái đã đến tuổi trưởng thành. Trước tình hình đó, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ bản đã đến vận động, thuyết phục, dần dần Mau hiểu và nhận ra lỗi lầm của mình để từ đó càng thương yêu vợ hơn và ngôi nhà ấy thực sự đã trở thành mái ấm, ăm ắp tiếng cười. Tiểu phẩm được các diễn viên không chuyên của đội Tương Dương diễn xuất khá thành công. Bên cạnh đó, tiểu phẩm “Chưa quá muộn” của đội Kỳ Sơn cũng thu hút được sự tập trung chú ý của khán giả, bởi thông qua một tình huống cụ thể của một gia đình, tiểu phẩm đã phản ánh không ít vấn đề đang tồn tại nơi huyện rẻo cao biên giới này. Đó là tình trạng bạo hành trong mỗi gia đình vẫn còn phổ biến, quyền trẻ em vẫn còn bị xâm phạm, nạn buôn bán và sử dụng ma túy chưa được kiểm soát, tình trạng lừa đảo phụ nữ, trẻ em bán ra nước ngoài khiến cho không ít gia đình tan nát...

Trao đổi với chúng tôi, chị Lương Thị Lan ở bản Hiển, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) cho biết: “Là thành viên của đội Thanh Chương, đến với hội thi này tôi thật sự học hỏi được nhiều điều. Có những sự việc diễn ra hàng ngày ở quanh mình, ở bản làng mình nhưng hầu hết mọi người vẫn chưa nhận thức được. Trở về bản, tôi sẽ kể với mọi người về hội thi để bà con dân bản hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật”. Còn ông Vi Tân Hợi- Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương khẳng định: “Hội thi có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó không chỉ dừng lại ở mục đích tuyên truyền, phổ biến để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho bà con các dân tộc thiểu số mà còn giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nắm rõ hơn tình hình thực tế của địa phương để có được những giải pháp đúng đắn, sát thực trong công tác quản lý, điều hành. Tuy nhiên, để sức lan tỏa từ sân khấu đến tận các bản làng, đến với từng người dân, hội thi cần phải được tiến hành thường xuyên ở nhiều cấp khác nhau, thậm chí đến cả cấp thôn bản”.

Đánh giá về kết quả hội thi, ông Sơn Minh Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Trưởng BTC khẳng định: “Tôi đánh giá cao công tác chuẩn bị công phu, chu đáo của UBND tỉnh Nghệ An và các đội tham gia hội thi. Hội thi thực sự đã có sức hút và lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Hy vọng, sau hội thi, những chiếc băng ghi hình sẽ được chuyển về đến tận các bản làng để bà con cùng thưởng thức, và mỗi thành viên dự thi hôm nay sẽ là một tuyên truyền viên xuất sắc của địa phương nơi mình sinh sống, để tất cả mọi người quanh ta luôn có ý thức sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.


Tường Anh