Nga và Mỹ vừa đạt thoả thuận hợp tác xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên trên Mặt Trăng. Đây là một phần của kế hoạch dài hạn nhằm đưa con người lên Sao Hỏa.
Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ cùng xây dựng một trạm không gian mới có tên Deep Space Gateway (Cánh cổng vào không gian) trong quỹ đạo của Mặt Trăng. Đây sẽ là căn cứ quốc tế cho con người và robot thăm dò Mặt Trăng và là điểm dừng cho các tàu vũ trụ.
"Chúng tôi đã cùng đồng ý hợp tác trong dự án xây dựng trạm vũ trụ quốc tế Deep Space Gateway trên quỹ đạo của Mặt Trăng", RT dẫn lời chủ tịch Roscosmos Igor Komarov khẳng định bên lề Hội nghị Phi hành gia Quốc tế tại Adelaide, Australia, ngày 27/9.
Theo AFP, NASA cho biết thỏa thuận phản ánh tầm nhìn chung của hai cơ quan vũ trụ về sứ mệnh thăm dò không gian của con người. Nga và Mỹ sẽ hợp tác để xây dựng các hệ thống cần thiết cho việc tổ chức thực hiện những sứ mệnh khoa học trong quỹ đạo và trên bề mặt Mặt Trăng cũng như trên Sao Hỏa.
"Các bộ phận và thiết bị của trạm, cũng như hệ thống duy trì hoạt động sống sẽ được chế tạo dựa trên thiết kế của Nga", Roscosmos cho hay.
Phía Nga cho biết hai bên cũng đã thảo luận về việc sử dụng các tên lửa Proton-M và Angara của Moscow cùng các phi thuyền khác để phục vụ việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho trạm vũ trụ Mặt Trăng. Các hoạt động chính của dự án dự kiến bắt đầu vào năm 2020.
"Chúng tôi hiểu rằng mình đóng vai trò chủ chốt và chúng tôi phải cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ này", Komarov nói. "Trạm sẽ là một nền tảng quan trọng cho các nghiên cứu trong tương lai".
Các chuyên gia đã hoan nghênh thỏa thuận này, coi đó là sự bắt đầu mang tính biểu tượng của hợp tác Mỹ - Nga về thăm dò không gian sâu.
Thăm dò vũ trụ là một trong số ít lĩnh vực hợp tác quốc tế của Nga và Mỹ không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng chính trị giữa hai nước. Các phi hành gia Nga và Mỹ cùng làm việc với nhau trên trạm vũ trụ quốc tế ISS, quay quanh Trái Đất từ năm 1998.
Theo Zing