Bộ Tài chính Syria cáo buộc Rami Makhlouf, 50 tuổi, tội nhập lậu hàng hóa và đưa ra mức phạt 11 tỷ bảng Syria (16 triệu bảng Anh). Cơ quan này cho biết, vào năm 2017, Công ty Dịch vụ dầu khí Abar Petroleum Service của Makhlouf đã nhập dầu mỏ, dầu diesel, xăng và khí hóa lỏng trị giá 25 triệu bảng vào Syria mà không trả phí hải quan. Cáo buộc nhằm vào ông Makhlouf là một phần của chiến dịch quy mô rộng do chính quyền Tổng thống Al-Assat thực hiện nhằm hạn chế ảnh hưởng của các doanh nhân trong cuộc chiến ở Syria.
Sự giàu có công khai của gia đình Makhlouf đã gây sự phẫn nộ của ngay cả những người ủng hộ chế độ Assad. Trong khi đó, phe đối lập coi đây là biểu tượng của nạn tham nhũng ở Syria. Trong những ngày đầu của cuộc nổi dậy, những người biểu tình đã gọi ông Makhlouf là “tên trộm” của đất nước.
Trong những tuần gần đây, giá trị đồng bảng Syria đã giảm mạnh. Các nhà quan sát cho rằng, tình hình kinh tế đã trở nên trầm trọng kể từ khi cuộc nổi dậy ở nước láng giềng Lebanon bắt đầu hồi tháng 10/2019. Lebanon, được coi là “lá phổi tài chính” cho giới doanh nhân Syria, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính lớn do các cuộc biểu tình và bế tắc chính trị tiếp diễn.
Một số chuyên gia nhận định chiến tranh đã tiêu diệt tầng lớp trung lưu ở Syria. Hiện tại xã hội Syria chỉ còn những người rất nghèo và những kẻ cực giàu. Bởi trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào, luôn có những kẻ hưởng lợi. Quyết định “sờ gáy” đại gia Makhlouf của chính quyền Damascus được cho sẽ mở đầu các chiến dịch tương tự nhằm vào giới doanh nhân giàu có nhờ chiến tranh ở Syria, trong nỗ lực tránh thâm hụt ngân sách nhà nước.