Bộ Quốc phòng Nga cho biết rằng, vì gặp thời tiết xấu nên phi đội bay gồm nhiều tiêm kích Su-30SM đã vượt qua 5000 km trong khoảng thời gian 5 giờ.
Những chiếc máy bay tiêm kích này được lắp ráp tại nhà máy Hàng không Irkutsk và tới các khu vực triển khai.
Năm 2017 phi đội không quân đầu tiên được thành lập, họ được trang bị 12 máy bay tiêm kích Su-30SM mới nhất và năm nay Nga tiếp tục sản xuất và trang bị loại máy bay này.
Hiện tại phi đội thứ hai đang được trang bị máy bay tiêm kích MiG-29SMT, tuy nhiên trong thời gian tới sẽ được thay thế bằng các máy bay tiêm kích Su-30SM hiện đại hơn. Cần lưu ý rằng từ đầu năm nay, các phi công và nhân viên kỹ thuật đã hoàn thành xong việc đào tạo chuyển loại sang loại máy bay mới.
Su-30SM là phiên bản nâng cấp của chiếc máy bay tiêm kích đa năng thế hệ thứ 4+ Su-30.
Máy bay này được thiết kế nhằm chiếm ưu thế trong cuộc chiến trên không, tiêu diệt các mục tiêu trên bầu trời, phong tỏa các sân bay của đối phương, cũng như các đánh chặn các mục tiêu trên đất liền và trên biển.
Một trong những tính năng chính của Su-30SM là khả năng siêu cơ động. Máy bay được trang bị hai động cơ AL-31FP với tính năng điều khiển véc tơ lực đẩy, trong cấu trúc có sử dụng cánh ngang phía trước. Điều này cho phép chiếc máy bay chiến đấu có thể thực hiện những động tác nhào lộn phức tạp.
Su-30SM cũng được trang bị hệ thống radar điều khiển đa năng hiện đại Bars, hệ thống tiếp nhiên liệu trên không. Nhờ đó tiêm kích Su-30SM có thể phát hiện máy bay địch có kích thước tương tự như MiG-29 ở khoảng cách 140 km. Đồng thời radar này có khả năng phát hiện và theo dõi cùng lúc 15 mục tiêu bay và 4 trong số chúng nằm trong tầm ngắm của vũ khí mang theo.
Trên máy bay Su-30SM có 12 điểm treo vũ khí và có thể mang đến 8 tấn vũ khí, bao gồm tên lửa có điều khiển, tên lửa thường và bom hàng không. Trên tiêm kích Su-30SM có thể sử dụng tên lửa không đối không tầm trung R-27 (8 quả), R-77 (10 quả) và tên lửa tầm ngắn R-73 (6 quả).
Ngoài ra chúng cũng có thể mang theo loại tên lửa chống radar và chống hạm Kh-31P và Kh-31A (6 quả). Nhiên liệu trong các thùng cho phép máy bay bay liên tục khoảng 3000 km. Trong trường hợp thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt chúng có thể được tiếp nhiên liệu từ trên không và tiếp tục hoạt động.
Việc Nga tiếp tục sản xuất và trang bị loại máy bay này cho thấy họ tin tưởng vào khả năng của chúng. Điều này trái ngược hoàn toàn với Mỹ, nước này cũng đang tích cực sản xuất các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35, F-22.
Thực tế Nga đã và đang trong quá trình trang bị tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57 nhưng chỉ với số lượng ít. Theo kế hoạch trong khoảng 10 năm tới họ chỉ trang bị khoảng 12 chiếc loại này. Điều này có nghĩa là Nga chủ yếu sử dụng các loại máy bay tiêm kích thế hệ 4+ để đối đầu với các tiêm kích thế hệ thứ năm của Mỹ.
Ngoài tiêm kích Su-30SM, Nga còn có tiêm kích Su-35 với khả năng chiến đấu được đánh giá không thua kém gì các tiêm kích thế hệ mới của Mỹ.
Còn đối với tiêm kích Su-57 Nga sẽ tiếp tục hoàn thiện và trang bị siêu động cơ cho chúng sau đó sẽ quyết định tới việc trang bị số lượng lớn cho quân đội.