Trong bài phát biểu tại Học viện Quân sự thuộc Bộ Tổng tham mưu, Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov cho biết, Quân đội Nga đang trải qua quá trình hiện đại hóa quy mô lớn. Lực lượng này sẽ được trang bị những hệ thống vũ khí tiên tiến nhất thế giới.
Các hệ thống này sẽ đi vào phục vụ từ 2018 đến 2027, trong đó có 6 vũ khí tối tân được cho là “chưa có đối thủ trên thế giới” thậm chí cả trong tương lai.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat là một trong những hệ thống tiên tiến nhất. ICBM này là một phần trong kho vũ khí mới được Tổng thống Vladimir Putin tiết lộ trong thông điệp liên bang ngày 1/3.
Sarmat được cho là có thể vươn tới bất kỳ nơi nào trên thế giới. Một số hãng truyền thông phương Tây gọi đây là “vũ khí ngày tận thế”, đồng thời cảnh báo rằng nó có thể dễ dàng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Hiện Sarmat đang được thử nghiệm. Theo Bộ Quốc phòng Nga, Sarmat đã chứng tỏ được hiệu quả trong giai đoạn trước khi bay và giai đoạn đầu của quá trình bay. Hồi tháng 5/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ Sarmat dự kiến được triển khai vào năm 2020.
Sarmat được thiết kế để mang đầu đạn siêu thanh Avangard. Avangard có thể bay với tốc độ Mach 20 và có thể chịu được nhiệt độ lên tới 2.000 độ C được tạo ra do ma sát trong không khí.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5
ICBM mang đầu đạn hạt nhân không phải là vũ khí duy nhất được bổ sung vào kho vũ khí mới của Nga. Quân đội Nga dự kiến nhận thêm các loại vũ khí thông thường nhưng cũng ấn tượng không kém. Một trong số đó là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, Su-57.
Cuối tháng 6/2018, quân đội Nga ký hợp đồng mua 12 chiếc Su-57. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này sẽ được chuyển cho lực lượng vũ trang trong năm 2019.
Su-57, với hệ thống hàng không điện tử, cho phép nó có tính năng tự động chiến đấu để hỗ trợ phi công. Su-57 được thiết kế nhằm thay thế cho máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-27.
Vũ khí chính của Su-57 được giấu ở bên trong để giảm khả năng bị radar phát hiện, nhưng nó cũng có thể mang các vũ khí bổ sung ở phần bên dưới cánh.
Su-57 dự kiến được trang bị động cơ mới được thiết kế đặc biệt cho loại máy bay thế hệ thứ 5. Theo Tạp chí Military Watch, Su-57 có lợi thế tương đối so với F-35 khi xét về tốc độ, tầm bay, cảm biến, khả năng mang tên lửa, tầm chiến đấu và tính cơ động.
Xe tăng T-14 Armata
Trên mặt đất, Quân đội Nga sẽ sớm sở hữu một loại vũ khí cực mạnh. Đó chính là xe tăng T-14 Armata. Đến năm 2020, Lực lượng Quân đội Nga sẽ nhận khoảng 100 chiếc xe tăng T-14 Armata. “Cỗ máy chiến tranh” này sẽ có tháp vũ khí hoàn toàn tự động và không cần người điều khiển, với đại bác cỡ nòng 125mm, có tốc độ 12 vòng/ phút và có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa 7km.
T-14 Armata cũng được “bao bọc” bởi nhiều lớp thép, giúp bảo vệ những người ngồi bên trong sống sót trong những tình huống nguy hiểm nhất. Các hình ảnh bên ngoài được cung cấp cho những người điều khiển xe tăng từ camera có độ phân giải cao.
S-500
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa S-400 – “xương sống” của lực lượng phòng không Nga, có thể sẽ được thay thế bằng một vũ khí lợi hại hơn trong tương lai không xa.
S-400 là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Nga, được thiết kế để phá hủy các mục tiêu trong phạm vi 400 km và tên lửa từ khoảng cách 60 km. S-400 có thể sử dụng ít nhất 4 loại tên lửa đánh chặn, phù hợp với nhiều mục tiêu khác nhau. S-400 có thể cùng lúc đánh chặn lên tới 36 mục tiêu.
Hiện tại nhiều nước đang rất muốn mua S-400 của Nga, trong đó có cả cả Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO.
Tuy nhiên, Almaz-Antey, nhà sản xuất S-400, cho biết họ đang phát triển một hệ thống còn tiên tiến hơn cả S-400, với tên gọi là S-500 “Prometheus”.
Theo một số báo cáo, S-500 có khả năng đánh trúng mục tiêu trong phạm vi 480 km và có thể đánh chặn thành công cả tên lửa siêu thanh, cũng như bắn hạ máy bay chiến đấu F-22 và F-35. Hiện tại S-500 vẫn còn đang ở trong giai đoạn phát triển và có thể được triển khai vào năm 2020.
Lá chắn tên lửa “Nudol”
Trong bối cảnh phải đối mặt với việc Mỹ mở rộng các hệ thống phòng thủ tên lửa với quy mô chưa từng thấy trên toàn cầu, Nga cũng quyết định nâng cấp lá chắn tên lửa của mình, đăc biệt là hệ thống được sử dụng để bảo vệ thủ đô Moscow. Hệ thống đánh chặn mới này tên là Nudol. Tuy nhiên, rất ít người biết được các thông số chính xác của nó.
Theo TASS, lá chắn tên lửa Nodol có khả năng bảo vệ lãnh thổ Nga trước cuộc tấn công hạt nhân nhiều đầu đạn và đánh chặn được tất cả các ICBM hiện đại. Theo một số báo cáo, các tên lửa đánh chặn của Nudol thậm chí còn có khả năng bắn hạ cả vệ tinh.
Đài gây nhiễu âm vệ tinh nhiễu Tirada-2s
Được nhắc đến cuối cùng trong danh sách 6 loại vũ khí tối tân của Nga, nhưng cũng không kém phần quan trọng, là Tirada-2s.
Dù nghe tên có vẻ không ấn tượng so với Su-57 hay S-500, nhưng thiết bị mới này có tầm quan trọng trong trong bất cử cuộc chiến nào bởi khả năng có thể gây nhiễu các thiết bị liên lạc vệ tinh, có thể khiến đối phương phải chấp nhận mất đi hệ thống liên lạc hiện đại nhất của mình.
Tirada-2 có thể làm thay đổi đáng kể cán cân trong các hoạt động tác chiến hiện đại./.