(Baonghean) - Trên hành trình hàng trăm km từ thượng nguồn đổ về Cửa Hội để hòa vào biển cả mênh mông, không thể kể hết dòng Lam đi qua bao ngã ba và hợp lưu với bao nhiêu sông suối. Qua mỗi lần hợp lưu, dòng sông mang theo một dấu ấn văn hóa và bồi đắp cho vùng đất ấy một giá trị thiêng liêng. Ngã ba Cây Chanh (thuộc xã Đỉnh Sơn- Anh Sơn)- nơi dòng sông Con đổ vào sông Lam (người dân địa phương quen gọi là sông Cái) cũng chứa đựng những dấu ấn và giá trị riêng, góp phần làm nên vẻ đẹp của một vùng quê trung du trù phú.
Tôi đã cất công tìm hiểu nguồn gốc của tên gọi Cây Chanh, nay tên gọi ấy gần như trùm lên địa bàn xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn). Nhưng, đến nay vẫn chưa tìm được một cách giải thích hợp lý và thuyết phục, cho dù đã gặp không ít bậc cao niên - những người sinh ra, lớn lên và “neo đậu” trên mảnh đất này gần trọn cả một đời người. Chỉ biết rằng, cách gọi ấy trước tiên là để định danh vị trí ngã ba sông- nơi hợp lưu của sông Con và sông Cái, rồi sau đó người ta gọi tên cho cả vùng đất này.
Từ điểm hợp lưu giữa dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ tại Cửa Rào (Tương Dương), dòng Lam tiếp nhận thêm nguồn nước của dòng Chà Lạp, Huổi Nguyên, khe Bố, Nậm San, khe Thơi, khe Choăng... Và đến đất Anh Sơn, gặp dòng sông Con để từ đây bắt đầu một hành trình mới. Dòng nước không còn cuộn chảy bởi thác ghềnh, ngầm đá mà mang dáng vẻ lững lờ như lưu luyến và như muốn làm “duyên”. Còn dòng sông Con được hợp lưu bởi dòng Nậm Giải, Nậm Việc, Nậm Quàng, Nậm Tôn ở các huyện vùng Tây Bắc (Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn), rồi vòng sang Tân Kỳ, tiến sang đất Anh Sơn để hòa vào sông Cái (sông mẹ).
Ngã ba Cây Chanh không chỉ là nơi hợp lưu của hai dòng nước mà còn là hợp lưu của hai vùng văn hóa Tây Nam và Tây Bắc Nghệ An. Và đây cũng là điểm giao lưu và hội tụ những nét đẹp văn hóa của miền xuôi và miền ngược. Từ Cây Chanh ngược lên Tây Nam, Tây Bắc là những dãy núi trùng điệp, những bản làng cheo leo và những khúc dân ca Thái, Khơ mú, Thổ và Mông mang đậm hơi thở của núi rừng, của những ngày hội bản. Từ đây xuôi về là những bãi bồi và cánh đồng bát ngát phù sa, quanh năm xanh ngời màu lúa, ngô, đậu, lạc và dâu, mía. Những làng mạc trù phú, xanh tươi - nơi khởi nguồn của những câu ví, điệu hò mộc mạc và đắm say, ân tình và lắng đọng. Những tên gọi như bãi Mơ, bãi Hội, bãi Làng Trang, đồng Dừa, bến Hát gợi lên sự phì nhiêu của đất đai và sự thơ mộng của cảnh vật. Và cũng tại nơi này đã sinh ra những người con một đời tâm huyết với câu hò, điệu ví, có nhiều đóng góp cho kho tàng Dân ca xứ Nghệ như nhạc sỹ Thanh Lưu, Văn Thế và NSƯT Tiến Dũng.
Về phương diện địa lý, ngã ba Cây Chanh là điểm nối tiếp giữa các huyện nằm trên tuyến Quốc lộ 7A và Quốc lộ 48, giữa Quốc lộ 7A và 7B, giữa miền xuôi và miền ngược. Bởi từ đây có thể ngược lên Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn; rẽ sang Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và Qùy Hợp; xuôi về Đô Lương, Yên Thành và Diễn Châu. Vì thế, vùng Cây Chanh có nhiều lợi thế để mở rộng các mối giao lưu, thúc đẩy sự giao thương, trao đổi hàng hóa và đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, khi chiếc cầu bắc qua dòng Lam đã hợp long được mấy năm, cầu bắc qua sông Con cũng đã hoàn thành mang đến cho vùng Cây Chanh nói chung, ngã ba Cây Chanh nói riêng một sắc diện mới. Nhà máy đường mang tên Sông Lam cũng được chuyển về xây dựng ở vùng ngã ba sông, giúp bà con nông dân phát huy thế mạnh sản xuất, có thêm cơ hội được “đổi đời” nhờ cây mía nguyên liệu.
Từ lâu, Cây Chanh - Đỉnh Sơn được bạn bè gần xa biết đến là một vùng quê năng động trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, chợ Cây Chanh là điểm giao thương lớn của cả một vùng. Cũng là điều dễ hiểu, một khi người dân biết phát huy lợi thế về mặt không gian, vị trí địa lý của địa phương mình. Thị tứ Cây Chanh ngày càng sầm uất với khu chợ và những ngôi nhà cao tầng khang trang, những tuyến đường được đầu tư nâng cấp. Tất cả đang góp phần làm hiện hình một đô thị hiện đại ở vùng ngã ba sông, một đô thị vừa có sông, vừa có núi, lại có cả đồng bãi xanh tươi chắc hẳn sẽ càng giàu thêm sức sống.
Công Kiên