(Baonghean) - Sinh thời, Thiếu tướng Hoàng Đan (1928-2003) được đánh giá là con người giàu tài năng và đức độ, lại có tầm nhìn chiến lược, tham gia và chỉ huy nhiều trận thắng lớn. Những chiến công ấy góp phần vào thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm rạng danh quê hương Nghệ An, nơi ông cất tiếng khóc chào đời và trở về khi từ giã cuộc đời.

Một ngày Thu ngập tràn sắc nắng vàng, chúng tôi tìm về vùng quê Nghi Thuận (Nghi Lộc)- quê hương của Thiếu tướng Hoàng Đan với mong muốn được hiểu thêm về vị tướng tài ba này. Những người trong dòng tộc họ Hoàng chỉ đường đến nhà thờ họ Hoàng, chi cụ Hoàng Văn Hệ, nơi ấy có dành một gian để thờ và trưng bày tranh ảnh và các công trình của tướng Đan. Nhà thờ nằm giữa xóm 16, xung quanh là vườn cây xanh tốt, không hoành tráng về mặt quy mô nhưng được xây dựng khang trang và sắp xếp ngăn nắp. Phía phải ban thờ Thiếu tướng Hoàng Đan là những tấm ảnh tư liệu trong cuộc đời chiến đấu của ông được phóng to và treo một cách trang trọng.
 
Phía trước là tủ sách tập hợp những công trình của ông viết ra có ý nghĩa như để tổng kết về các cuộc chiến tranh ở Việt Nam qua góc nhìn của một người trong cuộc. Tất cả đều chứa đựng giá trị lịch sử và quân sự, giúp thế hệ sau có thêm tư liệu sinh động và cụ thể về những năm tháng ác liệt và vinh quang của đất nước. Có thể kể ra những tác phẩm tiêu biểu đang được lưu giữ tại tủ sách lưu niệm: “Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập”, “Những điều đọng lại qua hai cuộc chiến tranh”, “Nghệ thuật lừa địch trong chiến tranh”, “Sư đoàn 304- những kỷ niệm không quên”, “Binh đoàn Hương Giang- dấu chân thần tốc”, “Quân đoàn 2 (biên niên sự kiện)”, “20 năm Học viện Quốc phòng”. Đọc những tư liệu này và qua lời kể của người thân, chúng tôi đã có được sự hình dung cụ thể về con người ông- một người con ưu tú của quê hương, một “vị tướng của chiến trận”. 
 
images1372661_dsc_2.jpgThiếu tướng Hoàng Đan (ngoài cùng, bên trái) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Lê Trọng Tấn (năm 1976). Ảnh tư liệu
Có lẽ, Hoàng Đan được sinh ra là để cầm súng đuổi giặc và chỉ huy những trận chiến, bởi cuộc đời ông gần như đồng hành với bước đi của dân tộc Việt Nam kể từ ngày có Đảng soi đường. Bước chân của ông đã in dấu khắp các chiến trường ác liệt, đi qua hầu hết các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ông sinh năm 1928 trong một gia đình dòng dõi, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, là hậu duệ đời thứ 21 của Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn - một danh tướng đời Trần, có công phá hủy nhiều chiến thuyền của quân xâm lược Nguyên - Mông. Chú họ là Hoàng Văn Tâm, người sớm có mặt trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam và là Bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện Nghi Lộc và bị địch bắt, xử tử trong cao trào cách mạng 1930-1931. Chú ruột là Hoàng Văn Mỹ cũng bị địch bắt từ năm 1930 và đày lên Kon Tum gần 10 năm mới được thả về.
 
Từ nhỏ, cậu bé Hoàng Đan được bố mẹ cho ăn học chu đáo, từ trường làng, lên trường huyện, rồi ra trường tỉnh. Với trí thông minh và sự cần cù, chăm chỉ, Hoàng Đan luôn được các giáo sư đánh giá cao qua các kỳ học. Được nuôi dưỡng trong một gia đình giàu truyền thống, cậu học trò đất Nghi Thuận sớm giác ngộ tinh thần yêu nước và cách mạng, nhận ra được sự bất công của xã hội thực dân - phong kiến lúc bấy giờ. Vì thế, khi Nhật đảo chính Pháp (3/1945), dù mới 17 tuổi, theo bước chân người anh trai, Hoàng Đan gia nhập Mặt trận Việt Minh và sớm được bầu làm Ủy viên BCH của huyện. Rồi người thanh niên ấy được cấp trên tin tưởng cử về tổng Vân Trình để phụ trách công tác tổ chức đấu tranh, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Và ngày nổ ra cuộc tổng khởi nghĩa, chính Hoàng Đan là người dẫn đầu đoàn biểu tình về huyện tham gia cuộc đấu tranh. 
 
Hoàng Đan bước chân vào cuộc đời quân ngũ từ năm 1946, khi ông được cử đi học tại Trường Quân sự Quân khu đóng tại Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Chỉ đào tạo và huấn luyện trong một thời gian ngắn, ông được điều vào làm nhiệm vụ ở Bình - Trị - Thiên và bắt đầu tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp bên bờ sông Bến Hải. Từ một người lính, Hoàng Đan được giao làm Trung đội trưởng, rồi Chính trị viên đại đội, Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn phó. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông đã tham gia chiến đấu và chỉ huy  hàng trăm trận đánh ác liệt. Có thể kể đến trận chặn đánh địch trên đường từ Cam Lộ về Đông Hà, chặn đánh địch ở Gio Linh, phục kích tàu địch trên sông Đông Hà và chống càn ở Nam Vĩnh Linh (Quảng Trị). Rồi bước chân của Hoàng Đan lại tiến ra Việt Bắc tham gia chiến dịch Hòa Bình, Thu Đông, vòng sang Thượng Lào rồi trở về tham gia trận Điện Biên Phủ trong quân số của Đại đoàn 304. 
 
Chiến dịch Điện biên Phủ thắng lợi, Hiệp định Giơ- ne- vơ được ký kết, hòa bình được lập lại trên miền Bắc, Hoàng Đan được điều về làm công tác giảng dạy tại Trường Trung cao Quân sự (tiền thân của Học viện Quốc phòng). Sau đó, ông được cử sang học tập tại Liên Xô và trở về làm Chủ nhiệm khoa Bộ binh thuộc Học viện Quân chính. Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào giai đoạn cam go, ác liệt, Mỹ ồ ạt đổ quân vào chiến trường miền Nam cùng các loại vũ khí tối tân hòng đè bẹp ý chí đấu tranh thống nhất của quân và dân ta. Tình hình trở nên nguy cấp, Hoàng Đan được điều vào chiến trường, giữ chức Phó Tư lệnh, rồi Tư lệnh Sư đoàn 304B (đơn vị dự bị của Sư đoàn 304). Thời điểm này, Hoàng Đan đã tham gia chỉ huy các đơn vị thuộc sư đoàn tại chiến dịch phản công địch ở Đường 9 - Nam Lào và đánh địch tại Thành cổ Quảng Trị. Những trận chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, hai bên giành nhau từng cao điểm, từng mét giao thông hào, cuối cùng ta đã buộc địch hứng chịu nhiều tổn thất. 
 
Với tài năng chỉ huy chiến đấu, năm 1973, Hoàng Đan được phong quân hàm Đại tá và được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 1 (Tư lệnh lúc bấy giờ là Trung tướng Lê Trọng Tấn, kiêm Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam). Một năm sau, Quân đoàn 2 được thành lập, Hoàng Đan được điều sang làm Phó Tư lệnh. Ông đã trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 304 đánh trận Thượng Đức (Đà Nẵng), giúp quân ta giành lại ưu thế tại cao điểm này. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, Đại tá Hoàng Đan cùng cán bộ, chiến sỹ Quân đoàn 2 tham gia chiến dịch giải phóng Huế- Đà Nẵng. Chính ông là người đại diện cho Quân đoàn báo cáo kế hoạch tác chiến với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Lê Trọng Tấn và được 2 vị tướng lừng danh này bổ cứu một cách cụ thể, chi tiết hơn.
 
Kết quả, với tốc độ hành quân “thần tốc” của Quân đoàn 2, quân địch buộc phải rút chạy và đầu hàng, ta thu được nhiều vũ khí, khí tài tối tân. Với đà thắng lợi này, Quân đoàn 2 tiếp tục hành quân “thần tốc”, giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung và áp sát Sài Gòn, sẵn sàng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong chiến dịch lịch sử này, Quân đoàn 2 của Hoàng Đan được đứng trong hàng ngũ cánh quân phía Đông, tiến thẳng vào Sài Gòn. Và Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn đã vào đến Dinh Độc Lập trước tiên, bắt sống toàn bộ nội các của Dương Văn Minh, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Hành trình “Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập” đã được Hoàng Đan tái hiện qua hồi ức một cách sinh động và hấp dẫn, đem lại cho người đọc niềm thích thú và ngưỡng mộ vị tướng tài ba của quê hương xứ Nghệ. 
 
Nhưng Dinh Độc Lập chưa phải là điểm dừng của bước chân binh nghiệp, sau chiến thắng ông lại trở về làm Phó Giám đốc Học viện Quân sự cao cấp. Ông tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chương trình huấn luyện, đào tạo sỹ quan cho Quân đội nhân dân Việt Nam và được phong hàm Thiếu tướng năm 1977, khi 49 tuổi đời và 31 tuổi quân. “Mỹ đã cút”, “Ngụy đã nhào”, tưởng rằng đất nước sẽ bóng thù, nhưng rồi bọn Khơ me đỏ và bành trướng Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc để thử thách tinh thần, ý chí của dân tộc Việt Nam. Đang làm công tác nghiên cứu và giảng dạy, một lần nữa Thiếu tướng Hoàng Đan được Bộ Quốc phòng điều vào chiến trường biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc để nghiên cứu thực địa, lập kế hoạch tác chiến để đẩy lui quân địch ra khỏi đường biên, lãnh thổ.
 
Là người dày dạn kinh nghiệm trận mạc, lại nghiên cứu sâu về chiến lược và chiến thuật, kế hoạch tác chiến của Thiếu tướng Hoàng Đan đã được áp dụng, góp phần làm nên chiến thắng quyết định trước kẻ thù xâm lược. Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, Hoàng Đan được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn 5, kiêm Tư lệnh mặt trận Lạng Sơn và Phó Tư lệnh Quân khu 1. Ông đã trực tiếp có mặt ở những cao điểm ác liệt nhất, nơi ta và địch giành nhau từng tấc đất để chỉ huy và động viên tinh thần chiến đấu của chiến sỹ. Chính sự có mặt và tài chỉ huy của vị tư lệnh đã góp phần đập tan ý chí xâm lược của những kẻ đến từ bên kia biên giới, buộc chúng phải từng bước rút khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nhiệm vụ hoàn thành, ông lại trở về với công việc nghiên cứu và giảng dạy, tranh thủ ghi lại những năm tháng ác liệt, hào hùng và tổng kết kinh nghiệm chiến đấu để trao truyền cho thế hệ sau. 
 
Thiếu tướng Hoàng Đan qua đời năm 2003 và được an táng tại quê nhà Nghi Thuận. Năm 2014, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ghi nhận công lao xuất sắc trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước.
 
Bạn bè, đồng đội và cấp trên của Thiếu tướng Hoàng Đan luôn đánh giá cao về tài năng và nhân cách của ông. Thượng tướng, Giáo sư, NGND Hoàng Minh Thảo từng viết: “Tướng Đan là một tướng chiến trận. Nơi nào có cuộc chiến ác liệt nhất là có mặt tướng Hoàng Đan. Ông chiến đấu dũng cảm và chỉ huy có mưu trí. Ông đã tham gia chỉ huy các trận đánh nổi tiếng”. Và đây là lời của Thiếu tướng Nguyễn Dũng Chi: “Nay, anh mất rồi. Tôi nói anh cũng là một tướng tài. Anh mất hơi sớm, bỏ lại ngổn ngang công việc các tướng trước giao cho: tổng kết chiến dịch, tổng kết chiến lược giúp anh Quang, anh Thảo”. 
 
Công Kiên