Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi đến với làng nghề dệt thổ cẩm Thái Minh của xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ. Thời điểm này, đồng bào Thái nơi đây đang hồ hởi chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4 và 1/5, trên các trục đường nội bản đã được thu dọn vệ sinh môi trường, hai bên đường được bà con trồng các loại hoa sắc màu. Tại các điểm du lịch Homestay, bà con đã chuẩn bị chu đáo để đón tiếp khách.
Song, hấp dẫn hơn khi đến với bản Thái Minh là được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của phụ nữ Thái bên khung cửi dệt thổ cẩm. Chị Lào Thị Hải - Trưởng Làng nghề dệt thổ cẩm bản Thái Minh phấn khởi cho biết: Trước đây, làng nghề có đến gần 65 gia đình làm nghề, nhưng do một số chị em trẻ tuổi đi làm công ty may trong huyện, nên số lượng hộ duy trì với nghề giảm xuống còn 27 hộ.
Các sản phẩm dệt thổ cẩm nơi đây được tiêu thụ tại các phiên chợ trong vùng là chính. Do tay nghề của chị em ngày càng cao, sản phẩm luôn đẹp, đường nét hoa văn tinh xảo, đáp ứng yêu cầu khách hàng, nên làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
"Ở đây làm nông nghiệp chủ yếu là đất rừng, nên thời gian nhàn rỗi nhiều, vì vậy duy trì nghề dệt thổ cẩm là phù hợp với chị em để có việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Mình chỉ việc làm ra sản phẩm theo yêu cầu, còn đầu ra đã có trưởng làng nghề lo nên yên tâm" bà Vi Thị Đình chia sẻ.
Ông Trương Công Thạch - Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ cho biết: Làng nghề thổ cẩm Thái Minh được UBND tỉnh công nhận làng nghề đầu năm 2016. Các sản phẩm thổ cẩm được bà con sản xuất ra ngày càng nhiều và phục vụ cho du lịch. Đây là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách mỗi khi đến với mảnh đất Tiên Kỳ - nơi hội tụ các loại hình du lịch: Du lịchlịch sử; hang động; Homestay đã được nhiều khách trải nghiệm.