(Baonghean) - Để bảo tồn, gìn giữ ca trù và dân ca ví, giặm xứ Nghệ, thời gian qua, Diễn Châu đã có nhiều cách làm hiệu quả.
Bền bỉ điệu ca trù
Trong tiếng tính tang, tom chát... của các đào, kép say sưa tập luyện, ông Phạm Tài Khoản ở xóm 10, xã Diễn Yên hào hứng nói về loại hình nghệ thuật đặc biệt của quê mình: Ca trù ở vùng này do dòng họ Trần truyền lại, đứng đầu là ông Trần Mập - một quản giáp nổi tiếng ngự giáo phường (tức là phường ca trù hát ở cung đình).
Hiện nay nhà thờ họ Trần vẫn còn lưu giữ 12 đạo sắc vua phong cho các quản giáp tài ba của dòng họ. Đình Cháy là một trong những “nhân chứng” còn lại của giáo phường. Ở đây luôn vang lên tiếng đàn, tiếng hát của các đào kép trong các dịp tế thần, thánh, thăng quan tiến chức, giao lưu giữa các giáo phường đại hàng Cổ Đạm (Hà Tĩnh), đại hàng Cát Ngạn, đại hàng Kẻ Giám... Tại đình còn lưu lại 3 chữ: chiêu - kỳ - văn (nghĩa là họp lại để sinh hoạt văn hóa).
Khi mới 10 tuổi, ông Khoản đã được nghe ông bà, bố mẹ hát ca trù và cứ thế ca trù ngấm vào ông lúc nào không hay. Năm 2004, khi Trung tâm Văn hóa huyện biết ông đàn hát tốt nên cử đi học lớp đào tạo đàn và hát 3 tháng về ca trù. Trở về, ông nhận thấy nghệ thuật ca trù mà ông cha để lại là di sản vô giá, thế hệ con cháu phải có trách nhiệm khôi phục và bảo tồn. Từ đó, ông vận động vợ con tập hát ca trù.
Với niềm say mê và sự kiên trì của mình, ông bà đã nhen nhóm và thành lập được câu lạc bộ với sự tham gia của 4 ca nương, 3 kép đàn. Bà Hạnh, một thành viên câu lạc bộ ca trù chia sẻ: “Hồi xưa nói về ca trù là tôi không thích lắm, nhưng sau khi được bác Khoản đến động viên nhiệt tình dạy hát, đánh phách nên dần dần tôi thấy ca trù rất hay. Tôi còn vận động cả chồng cùng tham gia câu lạc bộ”.
Trong phong trào phục dựng và phát triển môn nghệ thuật ca trù trên địa bàn huyện Diễn Châu còn phải kể đến hai cha con cụ Nguyễn Công Súy và chị Nguyễn Thị Mai ở xóm 1, xã Diễn Liên. Năm 2010, khi đã ở tuổi gần 80, cụ Súy mới học cách cầm trống chầu, gõ phách, đánh đàn. Sau nửa năm học, cụ đã chơi thành thạo nhạc cụ đàn đáy và trở thành kép đàn, đệm cho con gái hát.
Trong các kỳ liên hoan ca trù toàn quốc, chị Mai đã đạt 1 giải Bạc, 1 giải Vàng và rất nhiều giải A trong các đợt liên hoan nghệ thuật của tỉnh và thường xuyên lên lớp truyền giảng cho các câu lạc bộ. Chị Mai ấp ủ ước mơ phổ biến rộng rãi môn nghệ thuật này cho lớp trẻ, trước tiên là những người trong gia đình chị. Với chất giọng đẹp của con và tiếng đàn đáy thiết tha, trầm mặc của cha mà đi đến đâu biểu diễn cha con cụ Súy cũng đều được bà con đón nhận và trân trọng.
Hát ca trù đã xuất hiện ở Diễn Châu trên 400 năm nay và là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh còn duy trì được môn nghệ thuật truyền thống này. Trước đây ca trù rất ít khi được biểu diễn, chủ yếu chỉ diễn ở một số ít đình làng, đền thờ do một vài nghệ nhân cao tuổi thể hiện. Tuy nhiên, ngày nay với sự quan tâm phục hồi của các ngành chức năng và đặc biệt là làm tốt việc quảng bá, xã hội hóa hoạt động của các câu lạc bộ, nên ca trù ở Diễn Châu được dành nhiều không gian để biểu diễn. Chính vì vậy mà từ chỉ 1 CLB cấp huyện được thành lập năm 2001 thì nay Diễn Châu đã phát triển được 6 câu lạc bộ với trên 100 thành viên tham gia.
Lan tỏa dân ca ví, giặm
Cùng với ca trù thì Di sản văn hóa Dân ca ví, giặm cũng được người dân Diễn Châu lưu truyền và phát huy mạnh mẽ trong đời sống, trở thành một phần tâm hồn, là "đặc sản” có sức sống lâu bền trong lòng mỗi người nơi đây.
Về Diễn Bình - nơi được coi là cái nôi của Dân ca ví, giặm trên đất Diễn Châu. Vào những đêm rằm trăng sáng hàng tháng, câu lạc bộ Dân ca ví, giặm người cao tuổi của xã lại tổ chức sinh hoạt. Những cụ ông, cụ bà bảy, tám mươi tuổi vẫn đam mê với điệu giặm kể, giặm ru. Những âu lo, niềm vui của cuộc sống đều được các cụ gửi gắm vào những vần điệu mượt mà của câu dân ca.
Cụ Đàm Quang Hồng, thành viên CLB Dân ca ví, giặm Diễn Bình cho biết: “Ngay từ năm 1970 đây đã là điểm sáng về Dân ca Nghệ Tĩnh và thế hệ này truyền cho thế hệ khác. Để dân ca đi vào cuộc sống, Hội Người cao tuổi Diễn Bình vẫn duy trì câu lạc bộ gồm 25 cụ. Từ sự đam mê của mình mà chúng tôi truyền sang cho lớp trẻ nên bây giờ ở đây ai cũng hát được dân ca”.
Ngành Giáo dục và Đào tạo Diễn Châu cũng đã có những thành công trong việc đưa Dân ca ví, giặm vào trường học. Hiện 126 trường học trên địa bàn huyện đều có CLB “Em yêu dân ca” với trên 1.260 học sinh tham gia. Mỗi năm học, các nhà trường đều tổ chức cuộc thi tìm hiểu và hát dân ca, qua đó không chỉ giúp các em hiểu sâu sắc hơn các làn điệu mà còn tìm ra những hạt nhân tiêu biểu để bồi dưỡng, phát triển năng khiếu. Nhờ vậy, những khúc hát dân ca đằm thắm, mượt mà đã từ từ ngấm sâu vào tâm hồn các em.
Em Phan Thị Hằng, học sinh lớp 5D, Trường Tiểu học Diễn Hoa cho biết: “Trước đây em nghĩ dân ca rất khó hát nhưng được cô giáo dạy từng câu, từng chữ, em đã hát được nhiều điệu dân ca. Bây giờ cả trường em bạn nào cũng biết hát dân ca”.
Dân ca, ví, giặm đang có sức lan tỏa lớn ở các thôn, xóm với gần 500 tổ dân ca hoạt động thường xuyên. Ngoài 5 nghệ nhân dân gian được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng thì ở Diễn Châu còn có hàng trăm người dân ở khắp các làng quê được nhân dân suy tôn là những hạt nhân nòng cốt trong việc bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ. Ngoài việc âm thầm lặng lẽ sưu tầm các bài cổ, các nghệ nhân, những người yêu dân ca còn sáng tác hàng trăm bài mới phù hợp với cuộc sống người dân và dễ đi vào lòng người.
Ông Trần Sỹ Hồng, Phó trưởng Phòng VHTT Diễn Châu cho biết: Thời gian qua, ngành Văn hóa Diễn Châu đã đẩy mạnh phong trào toàn dân hát dân ca, khôi phục các không gian trình diễn dân gian trong các địa bàn dân cư. Các CLB Dân ca ví, giặm ra đời được đầu tư nhạc cụ, hỗ trợ kinh phí hoạt động. Tại hội diễn nghệ thuật quần chúng hàng năm, Ban tổ chức đều bắt buộc dành 30% thời lượng cho các tiết mục dân ca. Bên cạnh đó còn tổ chức những cuộc thi hát đối dân ca giữa các câu lạc bộ, những cuộc sinh hoạt dân ca cộng đồng.
Mai Giang