Như đôi câu đối dân gian “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, phong tục Tết của làng quê Việt cũng đang biến đổi, có cái mất đi, có cái còn lưu giữ và sẽ trường tồn…Giữ gìn thuần phong, mỹ tục bên cạnh việc loại bỏ những hủ tục là vấn đề đáng quan tâm hiện nay.
Ngày Tết ở nông thôn phong vị bao giờ cũng đậm đà hơn ở thành phố, bởi lẽ làng xã là nơi ấp ủ và trao truyền qua biết bao thế hệ những tục đẹp thói hay, tạo thành văn hóa làng đầy tình nghĩa và rất mực nhân văn. Tết Nguyên đán, Tết lớn nhất trong năm của người Việt thì những nét đẹp đó được thể hiện rõ nét, dẫu mỗi làng quê, mỗi vùng miền có nét riêng nhưng “đại đồng, tiểu dị”, khác biệt nhỏ mà nét chung thì khá tương đồng.
Ông cử Phan Kế Bính (1875-1921) người làng Thụy Khuê, Ba Đình, Hà Nội viết về Tết Nguyên đán trong cuốn “Việt Nam phong tục” (1915) rằng, trước Tết nửa tháng nhà nào nhà nấy đã rộn rịp sắm Tết…Các thầy đồ nhà quê ra chợ viết câu đối bán. Những người đi buôn bán hoặc đi làm ăn xa đâu đâu cũng nghỉ việc về ăn Tết. Cách Tết vài hôm, ai nấy dọn dẹp nhà cửa, lau rửa đồ thờ phụng. Câu đối đỏ dán cửa, dán cột sáng choang, treo tranh, treo liễn lịch sự.
Lại có nhiều nơi dựng cây nêu, rắc vôi bột trong sân ngoài ngõ. Đêm giao thừa ở thành phố thì cúng giữa sân, ở làng quê thì ra điếm sở, đánh trống, đốt pháo ầm ầm. Có người ra đường bẻ cành lá nhỏ hay ra giếng làng quảy một gánh nước, ra đồng lấy gánh đất cày về vun gốc cây cối… đều mang hàm ý lấy lộc.
Xem ra, suốt một thế kỷ qua, cho đến xuân Bính Thân này, thể thức và tình cảm đối với Tết của dân tộc Việt không khác bao nhiêu, chỉ thay đổi ở phương tiện. Dẫu không treo nhiều đối liễn như thời Nho giáo thịnh hành nhưng nhà ai cũng trang hoàng nhà cửa để đón xuân; pháo không còn do qui định của Chính phủ vì mục đích an toàn… nhưng “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” vẫn hiện hữu trong đời sống đương đại. Ở nông thôn người dân vẫn rắc vôi bột quanh nhà, xưa nói là trừ tà nhưng thật ra là để diệt những côn trùng, sâu bọ gây bệnh. Nét đẹp ấy vẫn được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Từ chiều Ba mươi đến mùng Ba Tết, hôm nào cũng làm cỗ cúng gia tiên, cúng Thổ công, Táo quân, các nơi thờ tự trong cộng đồng đều có lễ. Cỗ Tết bao giờ cũng thịnh soạn, đủ đầy, thể hiện khả năng kinh tế của mỗi gia đình và tài nấu nướng của chủ nhân. Việc ăn uống bây giờ phong phú hơn xưa và nhu cầu cũng khác xưa, nhưng những món tinh hoa ẩm thực truyền thống như bánh chưng, giò, nem… vẫn có mặt trên mâm cỗ Tết, bên cạnh nhiều món mới được du nhập.
Sáng mùng một Tết, sau lễ cúng gia tiên thì con cháu chúc thọ ông bà cha mẹ với bao tiền mừng tuổi và ông bà cha mẹ cũng mừng tuổi các cháu nhỏ trong không khí đầm ấp, vui vẻ. Ngày đầu năm ai cũng giữ gìn, chỉ nói những chuyện vui, những điều tốt lành.
Anh em họ hàng, bạn bè thân quen, hàng xóm láng giềng đến nhà nhau chúc mừng nhau một năm mới an khang, làm ăn phát đạt, con cháu học hành tấn tới…
Ngày Tết là dịp đoàn tụ, sum họp gia đình, tưởng nhớ đến những người đã đi xa, là dịp củng cố tình đoàn kết trong họ ngoài làng, củng cố tình yêu quê hương đất nước, giá trị tinh thần đó vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tục ăn Tết, đón Xuân của dân tộc ta. Đi lễ chùa, tụ họp nơi sân đình chơi đu, chơi cờ tướng, ngắm sinh vật cảnh, chọi gà… là những sinh hoạt rất dân dã và vui vẻ.
Ngày Tết còn là dịp mừng thọ, chúc mừng các cụ lên tuổi chẵn 60, 70, 80… theo truyền thống trọng lão, “triều đình trọng tước, hương đảng trọng xỉ” – triều đình thì trọng chức tước, làng xã thì trọng tuổi cao - của cha ông ta. Mỗi làng xã có cách tổ chức khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà để thể hiện sự quan tâm, kính trọng người cao tuổi. Người ta còn kể rằng cụ Tam nguyên Yên Đổ đã đến chúc thọ một ông lão dân quê đã vái hai vái khiến ông lão cố chối từ, không dám nhận lễ, cụ Nguyễn Khuyến nói: Tôi có lạy cụ đâu, tôi lạy cái thiên tước (tước trời ban tức là tuổi thọ) của cụ đấy. Hiện nay phong tục này được các gia đình, Hội người cao tuổi, cộng đồng dân cư tổ chức rất phong phú, tùy theo điều kiện từng địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều phong tục tốt đẹp thì hủ tục từ xưa còn lại hay mới xuất hiện gần đây cũng khá nhiều, khiến cho ngày Tết trở nên nặng nề, phiền phức. Ngày Tết không thể không ăn uống, nhưng nếu sa đà thì tốn kém, lãng phí và hại sức khỏe, nếu dẫn đến nhậu nhẹt, say xỉn thì có thể còn gây ra những hậu quả không mong muốn, đặc biệt là tai nạn giao thông. Một thói tệ khác là cờ bạc ngày xuân, thay vì những sinh hoạt gia đình, cộng đồng lành mạnh thì nhiều người sa vào trò đỏ đen, từ chọi gà đến tổ tôm, tam cúc, xóc đĩa, nhiều người phờ phạc vì Tết.
Tục mừng thọ cũng là điều đáng bàn, trong khi nhiều nơi tổ chức gọn nhẹ bằng tiệc trà, hoặc tiệc mặn trong phạm vi gia đình thì không ít địa phương cỗ bàn bày đặt linh đình, hết sức tốn kém. Gia đình có điều kiện kinh tế khá giả thì việc bày tiệc khao mừng, những gia đình còn khó khăn cũng phải cố gắng theo lệ làng, biến việc mừng thọ các cụ thành mối lo lắng, tốn kém không cần thiết. Thiết nghĩ các Hội người cao tuổi, các chính quyền địa phương nên có sự hướng dẫn, vận động để việc mừng thọ các cụ vui vẻ và lành mạnh, đúng tinh thần “tùy gia phong kiệm” xưa nay vẫn nhắc nhở.
Thời gian là một dòng chảy vô thủy vô chung, con người đã tạo nên những cái Tết để đánh dấu thời gian, để cuộc sống thêm đẹp, thêm vui. Dân tộc ta có bề dày văn hiến lâu đời, có nhiều phong tục đặc sắc, nhưng trước sức ép hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ hiện nay, việc giữ gìn những phong tục thuần hậu nói chung, xung quanh việc đón Tết, mừng Xuân nói riêng là mối quan tâm không chỉ của Nhà nước mà của toàn xã hội, mỗi cộng đồng và mỗi cá nhân.
Theo dangcongsan.vn