(Baonghean)-Tháng giêng là mùa của Lễ hội. Lễ hội là hoạt động lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, có ý nghĩa tích cực với đời sống văn hóa tinh thần của con người. Vì thế mà từ bao đời nay, lễ hội vẫn được duy trì trong đời sống cộng đồng với những sắc màu đặc trưng của nó.

Những năm gần đây, hoạt động lễ hội đã có nhiều biến tướng với các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa, mê tín dị đoan, làm phôi pha những giá trị văn hóa đạo đức, tín ngưỡng. Vì vậy cần có biện pháp chấn chỉnh đồng bộ để lễ hội là những hoạt động văn hóa đúng nghĩa, góp phần bảo vệ, gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.  

Đi lễ hội đầu năm để được thư giãn, trút bỏ những nặng nề phiền muộn trong năm cũ và hy vọng những điều tốt đẹp ở năm mới; đi chùa để nguyện cầu bình an cho bản thân và gia đình, cho cuộc sống tốt đẹp là một nhu cầu chính đáng của con người cần tôn trọng. Nhất là trong một xã hội hiện đại với nhiều đổi thay và bất trắc, thì nhu cầu ấy âu cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, với một bộ phận dân chúng và quan chức bây giờ, tâm linh đã biến thành một nhu cầu mang tính thực dụng. Người đi lễ quyết “cầu cho được” những điều mình muốn, kể cả những điều ích kỷ hay bất thiện, họ bất kể mọi “phương pháp” cầu cúng, vay mượn hoặc xin xỏ thánh thần, miễn làm sao được “nhanh nhất, nhiều nhất, tốt nhất” những điều mà họ ước muốn.  

images1461135_12345.jpgMúa sạp tại lễ hội hang Bua -ảnh minh họa

Vì thế, trong những bước chân hăm hở đầu năm, đền chùa trở thành mục tiêu chinh phục số một của nhiều người. Khi vàng mã, tiền âm phủ như không còn đủ sức mạnh, người đi lễ dùng cả tiền ngân hàng để nhét tận tay thần, Phật; họ vãi tiền khắp nơi như thể không hối lộ, không “phong bì” thì thần Phật sẽ không chấp nhận lời cầu xin của mình. Vì  thực dụng, nhiều người đi lễ đã đánh đồng các giá trị, đưa những hệ lụy của đời thường vào thế giới tâm linh. Lễ chùa, hội đền đầu năm từ chỗ linh thiêng thành kính đã biến thành cảnh chen lấn, xô đẩy, khấn vái sì sụp. Chẳng nói đâu xa, ngay ở thủ đô Hà Nội, mấy năm gần đây, người ta luôn chứng kiến cảnh hàng ngàn người chen lấn, xô đẩy nhau trong Lễ cầu an đầu năm mới ở một ngôi chùa gần Ngã Tư Sở, sân chùa hết chỗ, họ tràn cả ra đường, nhiều người đứng trên cầu bái vọng từ xa gây cản trở giao thông. An đâu chưa thấy, chỉ thấy sự bất an là hiện diện. Rồi cảnh cướp lộ hoa tre đến “ sức đầu mẻ trán” ở Hội Gióng; rồi chen lấn, giẫm đạp nhau đến ngất xỉu ở Lễ khai ấn Đền Trần….

 Người đi lễ hội thực dụng đã đành, đằng này, tính thực dụng đã lan sang nhà tổ chức, nhà tài trợ cho lễ hội mới là điều đáng bàn. Lễ hội nào cũng cố mời cho được các vị lãnh đạo tới dự, như thể lãnh đạo càng lớn, lễ hội càng hoành tráng. Lợi dụng danh nghĩa đổi mới lễ hội, gắn lễ hội với giáo dục truyền thống, với du lịch...nhiều nơi, Ban tổ chức với những mức độ khác nhau đã áp đặt một số kịch bản có sẵn, làm cho vai trò chủ động, sáng tạo của người dân - chủ thể của lễ hội mờ nhạt. Một số nhà tài trợ lễ hội muốn nhân dịp này để đánh bóng tên tuổi. Dư luận đã từng nghiêm khắc cảnh báo về một trò chơi phản văn hóa, gây phản cảm cho cộng đồng là “trò chơi kỷ lục” ở các lễ hội truyền thống. Từ chuyện kỷ lục bánh chưng, bánh dầy nặng hàng mấy tạ dâng lên các vua Hùng mấy năm trước, khiến những chiếc bánh này đến giờ dâng lễ đã bị ôi thiu, trở thành trò bất kính với Tổ tiên. Rồi Hội Lim cũng cố gắng “xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam” với 2012 người cùng mặc trang phục quan họ và hát dân ca quan họ Bắc Ninh cho trùng với năm tổ chức 2012. Có lẽ Ban tổ chức đã nghĩ ra một trò chơi xa lạ ấy để quảng bá cho Hội Lim mà quên rằng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và lễ hội nói riêng, trước hết là phải giữ cho được nét đẹp tinh túy, vẻ thuần phác của nghệ thuật diễn xướng dân gian và tính cộng đồng mới làm nên giá trị toàn cầu của dân ca quan họ Bắc Ninh mà UNESCO đã công nhận.

Văn hóa, tín ngưỡng luôn hướng thiện, luôn hướng về cộng đồng một cách vô tư trong sáng. Tín ngưỡng không bao giờ đồng nghĩa với thực dụng và ích kỷ. Nói thế để thấy rằng, nếu hiển linh, thần Phật không bao giờ tiếp tay cho những kẻ hối lộ đền chùa để kiếm chức tước, làm những điều tồi tệ, mưu cầu lợi lộc cho riêng mình, bất chấp cộng đồng và cả những điều răn dạy thiêng liêng.

Mỗi năm cả nước có gần 8000 lễ hội lớn nhỏ được tổ chức. Vì vậy, vấn đề quản lý lễ hội luôn được ngành Văn hóa và cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Bộ VH-TT và DL cũng vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác  tổ chức, quản lý lễ hội năm 2016, nâng cao ý thức của người dân và trách nhiệm của chính quyền nhằm thiết lập trật tự, văn minh cho lễ hội để gìn giữ các giá trị truyền thống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân, vừa đảm bảo để lễ hội đầu năm chỉ đơn giản là sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống, thể hiện được tính nhân văn, nhân bản và khát vọng dân chủ của người dân về một cuộc sống yên bình.

Vân Thiêng

TIN LIÊN QUAN