(Baonghean) - Trong chuyến công tác tại Nghệ An trong 2 ngày 5 và 6/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Dù làm nghề nông hay nghề gì người dân phải nhận thức mình có làm được nghề đó hay không. Đồng thời phải xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn không dễ, bởi thời gian đào tạo ngắn, nội dung thì nhiều, phần lớn người học kiến thức còn hạn chế…
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm lớp học nghề chăn nuôi trâu bò của bà con nông dân xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương. Anh Lương Quốc Việt - giáo viên lớp học vui mừng cho biết: “Bà con nông dân rất hào hứng, tham gia học tập, luôn đi học đầy đủ. Bà con có kinh nghiệm chăn nuôi rồi nên tiếp thu rất nhanh”. Ông Nguyễn Sỹ Minh ở xóm 10, xã Thanh Dương, phấn khởi bày tỏ với Phó Thủ tướng: Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia lớp đào tạo nghề được Nhà nước hỗ trợ về kinh phí lại được học ngay tại xã, không phải đi đâu xa. Sau gần 3 tháng học nghề chăn nuôi trâu bò, tôi đã biết cho trâu, bò ăn như thế nào đúng khẩu phần, tiêm phòng dịch cho trâu, bò nhà mình và hàng xóm”.
 
Tiếp đó, Phó Thủ tướng đến thăm mô hình làng nghề mây tre đan xuất khẩu tại xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc. Chị Nguyễn Thị Thành ở xóm Thái Quang, xã Nghi Thái vui mừng báo cáo với Phó Thủ tướng: Đây là lần đầu tiên chị được tham gia lớp học đào tạo nghề vừa không phải mất học phí vừa được hỗ trợ 15.000đồng/ ngày. Mới học nghề 20 ngày nhưng chị đã đan được sản phẩm 771 (giỏ trồng hoa) để xuất khẩu. Sau khi tốt nghiệp khóa học nghề chị sẽ chuyển đổi nghề làm nông sang làm nghề thủ công truyền thống. Đến thăm mô hình làng nghề mây tre đan xuất khẩu theo hình thức liên kết hộ ở xã Nghi Thái, Phó Thủ tướng vui mừng trước sự đổi mới của làng nghề này. Từ một xã nghèo năm 2005, để phát triển kinh tế, xã quy hoạch lại phát triển KT-XH, phối hợp Công ty TNHH Đức Phong khôi phục nghề mây tre đan xuất khẩu 10/11 làng nghề. Người dân có việc làm ổn định, tăng thu nhập, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 6,5% và trở thành xã điển hình trong đổi mới, đào tạo nghề.

770935_small_68816.jpg

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thăm lớp học nghề mây tre đan xuất khẩu ở Nghi Thái (Nghi Lộc)

Thăm Công ty TNHH Đức Phong ở  Khu Công nghiệp nhỏ xã Nghi Phú - TP.Vinh, chuyên sản xuất mây tre đan xuất khẩu, là đơn vị gắn sản xuất kinh doanh với dạy nghề. Sau khi thị sát các mô hình, các sản phẩm do công ty sản xuất, Phó Thủ tướng lưu ý công ty cần thu hút họa sỹ có tay nghề thiết kế mẫu mã, màu sắc đa dạng hóa sản phẩm và khẩn trương làm các thủ tục đăng ký bảo hộ phát triển thương hiệu mây tre đan xuất khẩu trên thị trường trong và ngoài nước.
 
Đến thăm Trường cao đẳng nghề KTCN Việt Nam- Hàn Quốc, vấn đề được Phó Thủ tướng quan tâm là tạo động lực cho người thầy dạy tốt, việc đánh giá chất lượng dạy học nhà trường qua học sinh, qua doanh nghiệp. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nhà trường cần đa dạng hóa hình thức đào tạo,chất lượng đào tạo của nhà trường được đánh giá qua nguồn lao động.
 
Qua chuyến thăm các cơ sở dạy nghề ở tỉnh ta, Phó Thủ tướng đã có một cái nhìn toàn diện và đánh giá cao Nghệ An trong việc thực hiện có hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”.  Đặc biệt, đã sớm xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể dạy nghề cho nông dân nông nghiệp và chuyển sang phi nông nghiệp. Xác định được nhu cầu đào tạo nghề tương đối phù hợp cho từng địa phương và tỉnh trên cơ sở gắn nhu cầu học nghề của dân với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội để lựa chọn học nghề...
 
Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Dù làm nghề nông hay nghề gì người dân phải nhận thức mình có làm được nghề đó hay không. Theo Thủ tướng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là không dễ, thời gian đào tạo ngắn, nội dung thì nhiều, phần lớn người học kiến thức còn hạn chế. Bởi vậy, để đào tạo nghề cho lao động nông thôn thật sự mang lại hiệu quả cao cần phải khảo sát thật kỹ về những ngành nghề phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, phù hợp với trình độ, năng lực của từng đối tượng ở các vùng, miền, nhiều khi phải giảng dạy trong điều kiện “cầm tay chỉ việc”…
 
Phó Thủ tướng lưu ý việc định hướng cho lao động nông thôn nên theo học những nghề gì phù hợp với sở thích, trình độ, năng lực của bản thân họ, cũng như xã hội đang cần để sau khi hoàn thành khóa học dễ dàng lập nghiệp là vô cùng cần thiết. Nhiều ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn hiện nay chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Ví dụ, trong một khoảng thời gian rất ngắn từ 3 - 4 tháng, mà người lao động nông thôn lại học các ngành nghề rất khó, đòi hỏi tốn rất nhiều thời gian và công sức như điện - điện tử, gò hàn, thú y… thì làm sao tiếp cận được nghề một cách thành thục. Và tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng khó tìm được việc làm ổn định. Việc đào tạo nghề đang tập trung đào tạo nghề nông, chưa có nhiều hình thức đào tạo nghề theo hướng chuyển đổi nghề cho nông dân, đào tạo nghề giải quyết việc làm cho nông dân sau thu hồi đất sản xuất. Phó Thủ tướng  nhấn mạnh, Nghệ An cần tập trung nhân rộng các mô hình như làng nghề mây tre đan xuất khẩu, dệt thổ cẩm, mô hình đã tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con và khôi phục được ngành nghề truyền thống. Địa phương cần nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả như thế này, phát triển thương hiệu trong nước và thế giới. Theo Phó Thủ tướng, Nghệ An cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy nghề và triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn theo hình thức đặt hàng dạy nghề qua hợp đồng giữa các bên có liên quan theo hướng xã hội hóa; thực hiện có hiệu quả chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm thực hiện tốt chính sách phát triển nguồn nhân lực thông qua công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu xây dựng mô hình dạy nghề phù hợp cho lao động nông thôn tại các địa phương trong tỉnh, sau đó tổ chức nhân rộng.
 
Một vấn đề cần quan tâm trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn là phải gắn với giải quyết việc làm. Nghệ An cần đẩy mạnh tuyên truyền tư vấn cho nông dân sau học nghề và cần sớm xây dựng kế hoạch phát triển đào tạo nghề dài hơi cho những năm tiếp theo.
 
* Năm 2010, toàn tỉnh đào tạo 66.000 lượt người, trong đó đào tạo lao động nông thôn theo 1956 là 5.100 người. Năm 2011, đào tạo 70.000 lượt người, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 37%, đã tạo việc làm mới cho 3,5 vạn chỗ làm việc, giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,5%/năm. Tỉnh xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đủ tiêu chuẩn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trên các lĩnh vực, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.


Thanh Lê