(Baonghean) Theo quan sát, hiện hàng dệt may được sản xuất nội địa đang thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của người dân. Một số chủ cửa hàng quần áo trên đường Hồng Bàng (TP. Vinh) cho biết: Hàng năm, số người yêu thích hàng Việt Nam tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, hàng Việt vẫn đứng sau hàng Trung Quốc.
Nguyên nhân là nhiều hãng thời trang của Việt Nam có những sản phẩm đẹp, chất liệu khá tốt, nhưng những sản phẩm như thế chỉ dành cho phân khúc thị trường tiêu dùng của những người có thu nhập trung bình khá trở lên. Nhìn chung, các sản phẩm của những thương hiệu này có giá không dưới 1 triệu đồng/cái, thậm chí 3 - 4 triệu đồng/cái. Phần đông khách hàng chuyển hướng tìm những sản phẩm Việt Nam giá bình dân hơn. Tuy nhiên, họ rất khó vừa ý khi lựa chọn những sản phẩm may mặc sΩn được sản xuất trong nước có giá vừa phải. Do đó, người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình chọn giải pháp đến thợ may hoặc mua hàng Trung Quốc. Với những sản phẩm đó, nhu cầu của họ phần nào được thỏa mãn.
Hiện có không nhiều những thương hiệu dệt may Việt Nam giá bình dân như Ninomaxx, PT 2000, Blue Exchange, Maxx Style... Nhưng hầu hết trong số đó đều dành cho giới trẻ, thời trang công sở rất ít. Cũng có những doanh nghiệp như: Công ty May Nhà Bè, Công ty May Việt Tiến, Phương Đông, May 10... có những thương hiệu từ bình dân đến cao cấp để phục vụ cho nhiều phân đoạn thị trường. Ví dụ, áo sơ mi nam thương hiệu cao cấp San Sciaro, Manhattan của Công ty CP May Việt Tiến có giá từ 750.000đ/cái - 1.250.000 đ/cái thường dành cho giới doanh nhân, nhân viên văn phòng có thu nhập cao, trong khi đó, áo sơ mi hiệu Viettien Smart Casual với kiểu dáng không hề đơn điệu, chất liệu chấp nhận được, cũng của công ty này có giá rất "mềm" 220.000 đ/cái - 370.000 đ/cái, dành cho người có thu nhập trung bình. Tuy vậy, hầu hết các công ty này đều tập trung vào thời trang nam giới và quần áo thể thao, thời trang dành cho nữ giới vẫn còn khiêm tốn.
Thiết nghĩ, bên cạnh phát triển những nhãn hiệu thời trang cao cấp, các nhà sản xuất trong ngành thời trang Việt cần chú trọng đầu tư vào khúc thị trường có thu nhập trung bình, bởi đây là thị trường chiếm phần lớn trong "miếng bánh tiêu dùng" của toàn xã hội. Thế giới đã chứng minh được sự thành công của những hàng hiệu bình dân như Mango, H&M, Bebe, Cloudy.... Hàng hiệu bình dân nằm ở tuyến giữa, tuy giá nhỉnh hơn nhóm hàng nhái, hàng chợ, nhưng lại thấp hơn rất nhiều so với nhóm hàng hiệu cao cấp như LV, Chanel, Burberry, Marc Jacob..., mà chất lượng hơn hẳn hàng fake (hàng nhái hiệu nổi tiếng) lẫn hàng Trung Quốc.