Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì. Tham dự hội thảo, về phía Bộ Công an có Thiếu tướng, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hùng - Phó Cục trưởng Cục V03; Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục C08. Về phía tỉnh Nghệ An, có đồng chí Thái Thị An Chung- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành; các địa phương trên địa bàn.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những nội dung trọng tâm của 2 dự án luật. Về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các ý kiến tham luận đã chỉ rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; phân tích, đánh giá về thực tiễn công tác bảo đảm ANTT ở địa bàn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay;…
Theo đó, các ý kiến đều cho rằng lực lượng đảm bảo ANTT ở cơ sở chính là sợi dây gắn kết hết sức quan trọng của lực lượng Công an với quần chúng nhân dân, là cánh tay nối dài của lực lượng Công an nhân dân, từ đó thống nhất ý kiến về việc cần sớm ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Liên quan đến dự án Luật Trật tự, an toàn giao thôngđường bộ, các ý kiến cho rằng, an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là các lĩnh vực rất lớn, đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực, phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện.
Do đó, phải xây dựng, ban hành các luật chuyên ngành để điều chỉnh từng lĩnh vực, trong đó ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại.
Cùng với đó, liên quan đến việc cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhiều ý kiến đồng ý chuyển giao công tác quản lý, đào tạo, sát hạch cấp GPLX cho Bộ Công an. Thống nhất với dự án luật quy định GPLX có 11 hạng, thay vì 13 hạng được quy định trong Luật GTĐB năm 2008…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cảm ơn các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Đồng thời nhấn mạnh, xây dựng lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu quả là thực hiện chủ trương Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Vì vậy, rất cần thiết phải ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để đáp ứng với điều kiện tình hình thực tế công tác bảo vệ ANTT ở địa phương hiện nay.
Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện hành đang điều chỉnh đồng thời 2 lĩnh vực khác nhau, gồm: An toàn giao thông; kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ. Đây là 2 lĩnh vực lớn, mục tiêu khác nhau nhưng lại điều chỉnh cùng trong một luật dẫn đến quy định không đầy đủ, rõ ràng, nhiều nội dung quan trọng phải ban hành nhiều văn bản dưới luật. Qua tham khảo, hiện không có quốc gia nào ban hành Luật Giao thông đường bộ bao gồm cả lĩnh vực an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ… Bởi vậy, việc ban hành Luật trật tự, ATGT đường bộ là cần thiết, đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển.
Theo đó, Thiếu tướng Phạm Thế Tùng nêu rõ, trên cơ sở tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo, sẽ tổng hợp báo cáo, tham mưu lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo hoàn thiện dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp tới.