(Baonghean) Nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu), hoạt động sản xuất sò táp lô phát triển rầm rộ đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, đóng góp một phần không nhỏ vào tốc độ phát triển kinh tế của xã. Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích về mặt kinh tế là vấn đề ô nhiễm môi trường và lấn chiếm hành lang ATGT.
Xã Quỳnh Văn hiện có 86 hộ dân tham gia sản xuất sò táp lô với gần 100 máy đúc khuôn và 200 máy nhào trộn xi măng, tập trung chủ yếu vào 5 thôn có địa hình giáp với Quốc lộ 1A là 15, 16, 17, 11 và 12. Hầu hết các bãi sò đều có diện tích lớn, gần mặt đường. Có hộ dân tận dụng quỹ đất của gia đình mình, cũng có hộ phải thuê lại mặt bằng của gia đình khác, nhưng tựu chung lại là đều bám vào 2 bên hành lang của tuyến Quốc lộ 1A để hoạt động dễ dàng hơn.
Các cơ sở sản xuất gạch tạp lô lấn chiếm lề đườngQuốc lộ 1A (đoạn qua xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu)
Cứ bước vào mùa xây dựng như hiện nay, các hộ dân lại cho máy chạy hết công suất, thôn, xóm ngập trong bụi bặm, ngày đêm rầm rập tiếng ồn của các loại máy móc. "Nhà tôi ở gần ốt sò nên thấy nhức óc lắm, máy kêu cả ngày, bụi bặm, ồn ào, con cháu cũng không thể tập trung học bài" - Ông Lê Văn Thanh, xóm 17, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu cho biết.
Mỗi ngày, có hàng nghìn viên sò được đem phơi tràn ra lề đườngcùng với các loại phương tiện ra vào lấy hàng lộn xộn, người dân cửu vạn tranh nhau bốc sò làm ảnh hưởng không nhỏ tới người tham gia giao thông trên Quốc lộ 1A. "Ngày nào tôi cũng đi làm nhưng rất ngại khi qua đoạn đường này. Đất đá, xi măng từ các ốt sò tràn ra che hết vạch phân cách dành cho người đi bộ. Vào những giờ cao điểm, các loại xe tải khối lượng lớn vào ra bốc hàng lộn xộn che khuất tầm nhìn ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, rất dễ xảy ra tai nạn."- Anh Lê Bá Châu, một người dân xã Mai Hùng, huyện Quỳnh Lưu bức xúc nói.
Với những bất cập trên của hoạt động sản xuất sò táp lô, nhiều người dân đã đề đơn kiến nghị phản ánh, UBND xã đã xuống tận các cơ sở sản xuất để kiểm tra, lập biên bản xử lý những hộ vi phạm, tuy nhiên không mang lại hiệu quả. Tình trạng trên vẫn tiếp tục xảy ra, đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra mà nguyên nhân chủ yếu là do lộn xộn từ các cơ sở sản xuất sò táp lô. Ông Lê Tiến Uy, Phó Chủ tịch (phụ trách kinh tế) xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) cho biết: "UBND xã đã có nhiều biện pháp xử lý các hộ sản xuất sò vi phạm nhưng tình hình rất khó khăn.Năm 2012 này, UBND xã đã tiến hành triển khai hội nghị các đồng chí thôn thông qua toàn bộ nhân dân thống nhất tham gia đóng góp quỹ môi trường và sẽ có bản cam kết với từng hộ đúc sò, chấp hành các ý thức về môi trường, vấn đề an ninh giao thông, hành lang an toàn đảm bảo đúng quy chế của nhà nước".
Lợi ích kinh tế mà hoạt động sản xuất sò táp lô mang lại cho địa phương là rất lớn. Vì vậy, UBND xã Quỳnh Văn đang có kế hoạch xây dựng đề án làng nghề đóng sò táp lô trình lên các cấp, các ngành có thẩm quyền công nhận làng nghề nhằm phát huy tối đa tiềm năng kinh tế từ hoạt động này. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chính quyền địa phương cần chỉ đạo giải quyết những vấn đề bất cập trên một cách hiệu quả, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, trả lại hành lang giao thông theo đúng quy định.