Thời của Trump: Tốt có, xấu cũng có
Tháng 12 năm ngoái, NATO kỷ niệm lần sinh nhật thứ 70 trong một bầu không khí nhuốm màu ảm đạm. Thay vì chúc tụng cho sự trường tồn của tình liên minh với một tinh thần phấn chấn tại một hội nghị thượng đỉnh xa hoa ở Thủ đô London của Vương quốc Anh, thì khi ấy, người đứng đầu nhà nước và chính phủ các quốc gia thành viên lại tụ hội tại một “buổi gặp mặt các nhà lãnh đạo” hết sức khiêm tốn, thậm chí khá im hơi lặng tiếng.
Sau nhiều năm dù cẩn trọng sắp xếp, lên kế hoạch nhưng vẫn không tránh khỏi trục trặc, NATO đã âm thầm giảm nhẹ sự chú ý dành cho các cuộc gặp gỡ với đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump, do nhà lãnh đạo này thường có xu hướng “tấn công” các sự kiện cấp cao bằng những cơn giận, hay mượn đó làm dịp công kích các đồng minh, phá hỏng những nỗ lực nhằm thể hiện sự ổn định và tinh thần đoàn kết.
Ấy thế mà sau các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 vừa qua, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, dù nổi tiếng với quan điểm trung lập một cách thận trọng, gần như đã không thể che giấu nổi sự hứng khởi của bản thân khi ngỏ lời mời Tổng thống đắc cử Joe Biden, người mà ông gọi là một “nhân vật ủng hộ mạnh mẽ NATO và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương” tới thăm Brussels để dự sự kiện mà chính xác được Stoltenberg gọi là “thượng đỉnh”. Sự kiện này dự kiến được tổ chức ngay thời điểm tân chính quyền Mỹ có thể tham dự.
"Cuối cùng, NATO đã sống sót qua thời Donald Trump - dù không phải không sứt mẻ hay không suy suyển gì”.
Việc có được một đối tác dễ bề dự đoán hơn tại Washington có tầm quan trọng hết sức to lớn, bởi hiện NATO đang trong quá trình nâng cao nhận thức và cách ứng phó của tổ chức này trước các thách thức nghiêm trọng đang đối diện với 30 chính phủ thành viên. Paul Taylor, thành viên cấp cao làm việc tại nhóm Bằng hữu châu Âu nhận xét: “Cứ như thể chơi trò tàu lượn siêu tốc điên rồ vậy. Cuối cùng, NATO đã sống sót qua thời Donald Trump - dù không phải không sứt mẻ hay không suy suyển gì”.
Thực tế là, một vài trong những sự thay đổi ấy chí ít cũng mang đôi chút màu sắc tích cực, kể cả trong trường hợp chúng lưu lại vài vết sẹo trong tâm lý chung của liên minh. Lấy ví dụ, dù ông Trump chưa làm được điều mà ông thường tuyên bố là khiến cho chiều hướng suy giảm trong chi tiêu quốc phòng của các đồng minh phải đảo ngược, thì thực tế là các quốc gia đã nhanh chân hơn đẩy ngân sách quốc phòng tiệm cận mục tiêu của NATO là 2% GDP, trong nỗ lực nhằm tránh việc ông Trump cứ thường xuyên hô hào, diễn thuyết trước công chúng về chủ đề này. Hay một trường hợp khác, như lưu ý của Taylor: “Ông Trump cũng buộc đồng minh phải bàn về Trung Quốc. Đó là điều chưa từng nằm trong chương trình nghị sự của NATO. Tôi không rõ liệu đó là điều rốt cuộc sẽ phải đến hay không, nhưng rõ ràng nó xảy ra dưới sự giám sát và sự kiên quyết của ông ấy”.
Nhưng lại thật khó, nếu không muốn nói là không thể, khi muốn tìm ra chút khía cạnh tích cực để biện bạch cho việc Mỹ dưới thời Trump rút quân đội một cách không có sự phối hợp và đột ngột khỏi Afghanistan và Iraq, nơi các thành viên NATO đang giúp đỡ huấn luyện các lực lượng địa phương để họ có thể tự mình bảo vệ lấy an ninh của đất nước. Những tuyên bố bất ngờ của ông Trump vừa gây hoang mang cho NATO, khi họ không được tham vấn trước, và cả các chính phủ có nhân lực trên thực địa, rồi đây sẽ rơi vào thế dễ bị tổn thương hơn khi không có sự hậu thuẫn, “bọc hậu” bổ sung từ phía xứ cờ hoa.
Điều gì đang đón đợi ông Biden?
Theo nhiều chuyên gia, “di sản” mà ông Joe Biden được “hưởng” tại NATO sau khi kế nhiệm ông Trump cũng khá gây đau đầu. Các đồng minh trong liên minh hiện đang mong chờ ông Biden sẽ tăng cường các nỗ lực tập thể để giải quyết những mối quan ngại an ninh ngắn và dài hạn. Đây cũng là việc đang được ông Stoltenberg dồn ưu tiên trong thời điểm hiện nay, bởi thực tế là bản “Khái niệm chiến lược” của NATO vạch ra những mối đe dọa và kèm theo đó là các năng lực để ứng phó với chúng chưa được xem xét, sửa đổi kể từ năm 2010.
Đó là khuyến nghị số 1 được đưa ra bởi “Nhóm nhận xét NATO”, tức các cố vấn được ông Stoltenberg chỉ định hồi năm ngoái, do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức Thomas de Maiziere và cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Wess Mitchell cùng đứng đầu, nhằm giúp cải thiện sự gắn kết và đổi mới trên phương diện chính trị sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cáo buộc liên minh này đang chống chịu với “tình trạng chết não”.
Có thể thấy rõ rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là sự thay đổi lớn nhất, có hệ quả sâu xa nhất trong môi trường chiến lược của NATO và là điều mà liên minh thực sự cần phải tính đến”.
Bên cạnh đó, “thách thức Trung Hoa” cũng là một điểm đáng chú ý. Báo cáo mới có tên “NATO 2030: Đoàn kết vì một Kỷ nguyên mới” đã kết luận rằng một nước Nga “hiếu chiến dai dẳng” sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất về quân sự đối với liên minh này trong thập niên tới, nhưng Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ nhanh chóng chớp thời cơ để vươn lên. Phát biểu tại một cuộc họp của nhóm Carnegie Europe bàn về báo cáo trên, Mitchell nhấn mạnh: “Từ các cuộc tham vấn với các chuyên gia và các đồng minh của chúng tôi, có thể thấy rõ rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là sự thay đổi lớn nhất, có hệ quả sâu xa nhất trong môi trường chiến lược của NATO và là điều mà liên minh thực sự cần phải tính đến”.
Tuy vậy, trước mắt thì liên minh NATO có “củ khoai nóng bỏng tay” hơn phải xử lý. Khi mà các cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban cứ kéo dài dằng dặc song chỉ đạt tiến triển với tốc độ “rùa bò”, ông Stoltenberg nói rằng NATO vào tháng 2 năm tới sẽ quyết định liệu có tiếp tục sứ mệnh huấn luyện, tư vấn và hỗ trợ của họ hay không, hay sẽ chấm dứt chúng sau gần 2 thập niên đầu tư vào đây.
NATO đã cam kết ở lại Afghanistan cho tới khi các điều kiện trên thực địa đảm bảo được rằng an ninh địa phương có thể duy trì sự ổn định. Nhưng ngay cả đại sứ của ông Trump tại NATO là Kay Bailey Hutchison cũng chẳng dám “bọc đường” cho thực tế đang diễn ra hiện nay. Bà nói: “Tôi không cho là các điều kiện đã thỏa. Chúng tôi muốn nhìn thấy tiến triển trên mặt trận hòa bình bằng việc Chính phủ Afghanistan và Taliban đối thoại với nhau về cách thức để người dân Afghanistan có thể thấy được sự tồn tại hòa bình dài lâu. Và đó không phải là điều đang diễn ra ngay ở thời điểm này”. Bà cũng không chỉ trích ông Trump vì đã rút quân về nước, mà cho rằng đây là vấn đề của ê-kíp Biden: “Đó là một trong những việc đầu tiên mà chính quyền mới này sẽ phải giải quyết”!
Quay trở lại với nội bộ NATO, vấn đề gây chia rẽ sâu nhất trong 4 năm qua sẽ không biến mất. Chắc chắn vẫn sẽ tồn tại căng thẳng về con số “2%” trứ danh.
Thomas de Maiziere từng tuyên bố tại Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu rằng “chính quyền Biden sẽ là vấn đề nan giải hơn với chúng ta dù giọng điệu nghe có vẻ hòa hoãn, thân thiện hơn”.
Paul Taylor cũng đồng tình rằng, chớ nên tin mọi thứ sẽ trơn tru hoàn hảo, dù là có sự ấm lên trong mối quan hệ dưới thời Biden. Nhưng cùng với đó, các quốc gia đồng minh hãy lạc quan rằng, đàm phán gian nan cũng không nhất thiết sẽ đồng nghĩa với bùng nổ một cuộc chiến. Ông nhận định: “Nó sẽ được dựa trên những thực tế chung. Và chắc chắn sẽ dựa trên giả định căn bản giống nhau rằng chúng ta ở trong liên minh cùng nhau, mạnh hơn khi hợp lại, và rằng Mỹ khi có đồng minh sẽ mạnh hơn khi chỉ có một mình, và các đồng minh cũng mạnh hơn khi có Mỹ”.