Nhiều vấn đề hệ trọng
Cũng giống như bất kỳ chuyến “xuất ngoại” nào trước đó, chuyến đi Anh lần này của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng gây xôn xao ngay khi chưa bắt đầu.\.
Sự có mặt của Tổng thống Mỹ tại quốc gia đồng minh thân thiết bên kia Đại Tây Dương ở vào thời điểm quan trọng - trước cuộc bầu cử - và tham dự lễ kỷ niệm sinh nhật 70 của NATO đủ để giới quan sát quốc tế có đủ đề tài chú ý và bàn luận.
Chuyến thăm Anh lần này của ông Trump khiến không ít chính trị gia ở London nghi ngại.
Từ khi là một ứng cử viên tổng thống và sau đó đắc cử, ông Trump luôn thể hiện sự ủng hộ đối với việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và chỉ trích các chính trị gia “xứ sở sương mù” đã tốn thời gian vào các cuộc tranh luận Brexit kéo dài.
Vì thế, chuyến thăm Anh lần này của ông Trump khiến không ít chính trị gia ở London nghi ngại. Đáng chú ý là sự có mặt của ông Trump khi chỉ 10 ngày nữa là nước Anh bước vào cuộc bầu cử mang tính quyết định đến con đường Brexit.
Hồi tháng 10, ông Trump từng phát biểu nhà lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn sẽ “rất tệ” cho nước Anh và ông Johnson nên hợp tác với nhà lãnh đạo Đảng Brexit Nigel Farage.
Tuyên bố được cho là khá nhạy cảm và bản thân Thủ tướng Boris Johnson đã phải tuyên bố: “Điều mà chúng tôi không làm đó là can thiệp vào các chiến dịch bầu cử của quốc gia khác. Điều tốt nhất giữa những người bạn tốt như Anh và Mỹ là không gây ảnh hưởng tới bầu cử của nhau”. Lời nhắn nhủ này được xem như lời cảnh báo, lãnh đạo Mỹ chớ can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới ở Anh.
Thực tế, trong các chuyến thăm Anh trước đó (tháng 7 năm ngoái và tháng 6 năm nay) Tổng thống Trump chưa bao giờ “được lòng” của người dân xứ sương mù. Trước mỗi chuyến thăm, các cuộc biểu tình của hàng nghìn người phản đối ông đã làm dấy lên mối lo ngại về vấn đề an ninh, thậm chí phủ bầu không khí căng thẳng trên bàn nghị sự.
Tuy nhiên, trong chuyến tới Anh lần này, chủ đề chính của ông Trump không nhằm vào Brexit và trọng tâm cũng không phải quan hệ Mỹ - Anh mà là các vấn đề của NATO. Các nhà quan sát cho rằng, chủ đề này cũng đủ để ông Trump không còn thời gian chú ý đến Brexit.
Quả thực, NATO ở thời điểm sinh nhật lần thứ 70 đang hứng chịu hàng loạt vấn đề cả khách quan lẫn chủ quan. Đó là sự chia rẽ giữa các nước thành viên, là sự suy yếu trong liên kết, thiếu niềm tin vào tương lai NATO...
Một trong những nguyên nhân gây nên những vấn đề ấy xuất phát từ quan điểm và chính sách của Tổng thống Donald Trump - người chưa bao giờ cảm thấy hài lòng về tổ chức đa phương như NATO. Cũng chính bởi thế, những gì ông Trump sẽ phát biểu tại sự kiện lần này đang gây ra một nỗi hoang mang, lo ngại cho những người trong cuộc.
Còn nhớ, tại Thượng đỉnh NATO năm 2018 tại Brussels, ông Trump đã “thổi bay” hội nghị bởi không ngớt lời chỉ trích các đồng minh châu Âu vì chưa đáp ứng được mức đóng góp 2% GDP cho ngân sách của NATO như đã cam kết. Ông chủ Nhà Trắng cũng chĩa mũi dùi vào Đức, khẳng định dự án hợp tác xây dựng đường ống dầu Nord Stream 2 giữa Moskva và Berlin sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh của NATO.
Giới quan sát cho rằng, chắc chắn chủ đề chia sẻ gánh nặng tài chính, cụ thể là việc yêu cầu các nước châu Âu chi tiêu quân sự nhiều hơn, sẽ lại được ông Trump nhắc tới, nhất là gần đây ông yêu cầu Hàn Quốc cần tăng 5 lần chi phí quốc phòng cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia Đông Bắc Á này...
NATO sẽ ra sao?
Câu hỏi này trở thành chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn quốc tế trong thời gian gần đây, nhất là sau bình luận công khai “NATO đang chết não” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tất nhiên, câu hỏi này khó có câu trả lời trong lần gặp gỡ của các nhà lãnh đạo các nước thành viên trong 2 ngày tới. Báo chí châu Âu nhận định, sự kiện lần này mang tính biểu tượng là chính. Sẽ có những cái bắt tay, những lời chúc mừng, nhưng rất khó để 29 lãnh đạo quốc gia thành viên NATO cùng nhìn về một hướng, có chăng sẽ có một vài đề xuất cho tương lai NATO.
Chẳng hạn, Pháp và Đức vừa đề xuất thành lập các nhóm nghiên cứu chuyên sâu để định hình tương lai của NATO, nghĩa là xây dựng một học thuyết chính trị mới cho NATO bên cạnh học thuyết quân sự trong môi trường an ninh quốc tế mới.
Đề xuất này được đánh giá sẽ mang lại những thay đổi về chất cho NATO, nhưng không phải là việc có thể ngay lập tức thực hiện mà cần thời gian nghiên cứu, phân tích, tham vấn nên theo giới phân tích thì sớm nhất cũng phải đến 2021 thì NATO mới hoàn thành được một học thuyết mới, một tầm nhìn chiến lược mới.
NATO có xây dựng được một không khí đoàn kết, đồng thuận hay không phụ thuộc rất nhiều vào phía Mỹ và cá nhân Tổng thống Donald Trump.
Trước mắt, việc NATO có xây dựng được một không khí đoàn kết, đồng thuận hay không phụ thuộc rất nhiều vào phía Mỹ và cá nhân Tổng thống Donald Trump. Quá trình luận tội ông ở quê nhà hay phản ứng của người dân Anh về chuyến thăm của ông được cho sẽ có tác động rất lớn đến tâm trạng của ông Trump.
Cũng chính bởi thế, chủ nhà Anh đã tổ chức sự kiện một cách khéo léo, cắt ngắn lịch trình so với các hội nghị thượng đỉnh khác, có thể sẽ không có bữa ăn trưa chung của các nhà lãnh đạo trong NATO nhằm tránh tình huống Tổng thống Trump có thể đưa ra một tuyên bố hoặc quyết định bất ngờ.
Giới quan sát nhận định, với những đổ vỡ trong quan hệ giữa châu Âu và Mỹ vài năm qua, trong đó có cả quan hệ cá nhân giữa ông Donald Trump với các lãnh đạo châu Âu, như bà Angela Merkel, thì các nước châu Âu có thể không mặn mà gì trong việc hàn gắn quan hệ trong NATO vào thời điểm này, mà sẽ đợi cho đến hết kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm tới, với hy vọng sẽ có thay đổi trong chính quyền Mỹ.
Tất nhiên, trong quá trình chờ đợi này, các nhà lãnh đạo thành viên NATO cũng không thể thờ ơ trước một thực tế rằng khối liên minh quân sự này đang ngày một rệu rã và cần có một cuộc cải tổ lớn nhằm xốc lại NATO ở tuổi 70./.