Đây là diễn biến bất thường, đặc biệt tình trạng nắng nóng chiều 15/6 đã khiến nhiều người bị sốc nhiệt phải đi cấp cứu và nhiều người tử vong trong đêm. Hiện vẫn còn khoảng 40% số bệnh nhân phải nhập viện đang được điều trị.
Nhiều người dân cho biết, nắng nóng đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ: “Chúng tôi đang sống trong tình trạng thật kinh khủng. Trời quá nóng có lúc lên đến 50 độ C. Chúng tôi không thể ra khỏi nhà và đi đâu bởi vì trời quá nóng”.
Bihar không phải là khu vực duy nhất chịu nắng nóng nghiêm trọng tại Ấn Độ. Nhiều khu vực rộng lớn ở miền Bắc Ấn Độ cũng phải trải qua hơn 2 tuần nắng nóng gay gắt. Cá biệt có những nơi như bang Rajasthan ở sa mạc, nhiệt độ đã lên tới 50 độ C.
Nhiệt độ tại thủ đô New Delhi cũng có thời điểm đạt mức 48 độ C, mức cao kỷ lục trong tháng 6. Nhiều tổ chức từ thiện đã thiết lập các quầy phát nước uống miễn phí cho người dân thủ đô trong thời tiết nắng nóng.
Một nhà tổ chức từ thiện cho biết: "Năm nay thời tiết đặc biệt nắng nóng. Nhiệt độ mấy ngày qua cao hơn thời điểm nóng nhất của năm ngoái. Để giúp đỡ người đi đường, chúng tôi đã thiết lập các quầy phát nước uống miễn phí giúp họ giảm bớt mệt nhọc trong cái nắng nóng gay gắt”.
Năm 2015, đợt nắng nóng bất thường tại Ấn Độ và Pakistan đã khiến hơn 3.500 người tử vong. Năm 2017, các nhà khoa học cho biết nhiệt độ tại Nam Á, khu vực chiếm tới 1/5 dân số thế giới, có thể lên tới mức không thể sinh sống được vào cuối thế kỷ này nếu những hành động nhằm làm giảm tốc độ ấm dần lên của Trái Đất không được thực thi một cách quyết liệt./.