Triều Tiên có thể sắp phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm
Trang web 38 North chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu Mỹ - Triều, Đại học Johns Hopkins cho biết, Bình Nhưỡng dường như đang đẩy mạnh việc đóng thêm 1 tàu ngầm lớp Sinpo có khả năng mang tên lửa đạn đạo.
Các chuyên gia Mỹ cho rằng, các kỹ sư Triều Tiên dường như đã lắp đặt 12 cần cẩu cách đều nhau dọc theo bến neo đậu trong thời gian 11/4-5/5. Những cần cẩu này sẽ được dùng để đưa những bộ phận và trang thiết bị có trọng lượng nhẹ vào tàu ngầm hoặc xuống xà lan. Theo 38 North, các công nhân Triều Tiên cũng được cho là đã di chuyển 1 tàu ngầm có tải trọng 2.000 tấn tới một vị trí khác khi họ lắp đặt các cần cẩu tại xưởng đóng tàu.
Nga đòi bằng chứng khi Mỹ tố bí mật thử hạt nhân
Tờ The Washington Post mới đây đã đưa tin về việc Nga đang bí mật thử hạt nhân. Đồng thời, tờ báo này cũng trích dẫn tuyên bố của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) về các “vụ nổ hạt nhân năng lượng cực thấp” của Nga. Tuy nhiên, The Washington Post có lưu ý rằng trong tuyên bố của DIA không nhắc đến các thông số thử nghiệm cũng như các chi tiết khác. Ấn phẩm này cũng không công bố bất kỳ tài liệu nào có thể xác nhận được kết luận này của tình báo Quốc phòng Mỹ.
Phản ứng trước thông tin trên, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố, Matxcơva bác bỏ cáo buộc vi phạm Hiệp ước Cấm thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện từ phía Washington. Trong khi đó, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, ông Mikhail Ulyanov cho rằng đây là một cáo buộc vô căn cứ và yêu cầu Washington phải cung cấp cụ thể các bằng chứng cho thấy Nga đang thực hiện các vụ thử hạt nhân.
Hồng Kông hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ
Chính quyền Hồng Kông đã quyết định ngưng vô thời hạn việc thảo luận dự luật dẫn độ gây tranh cãi sau làn sóng phản đối dữ dội của người dân vùng lãnh thổ này. Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đưa ra thông báo trên trong cuộc họp báo vào chiều 15/6, theo BBC. Bà cũng không công bố thời điểm chính quyền sẽ đưa dự luật này ra thảo luận lại.
“Dự luật đã gây ra nhiều chia rẽ trong xã hội”, bà Nga nói, đề cập đến “sự nghi ngờ và hiểu lầm”. Bà cho biết đã nghe những lời kêu gọi chính quyền “tạm dừng và suy nghĩ kỹ” về dự luật dẫn độ. “Tôi phải thừa nhận chính quyền còn thiếu sót trong việc giải thích và truyền thông. Chúng tôi phải quan tâm đến những lợi ích lớn nhất của Hồng Kông”, bà Nga nhấn mạnh, khi đề cập “khôi phục hòa bình và vãn hồi trật tự”.
Ấn Độ sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ từ 16/6
Tờ Economic Times số ra ngày 15/6 dẫn lời một quan chức Ấn Độ cho biết, sẽ không có thêm bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc áp thuế trả đũa đối với Mỹ, theo đó các mức thuế quan mới sẽ có hiệu lực từ ngày 16/6. Trong khi đó, hãng thông tấn Press Trust cho biết, Bộ Tài chính Ấn Độ sẽ sớm đưa ra thông báo chính thức, mặc dù nước này đã thông báo quyết định của mình tới phía Mỹ.
Trước đó, tháng 6/2018, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với một loạt hàng hóa của Mỹ, trong đó có hạt hạnh nhân và táo. Động thái này được cho là nhằm đáp trả việc Washington từ chối miễn trừ New Delhi khỏi các mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm thép và nhôm.
Mexico công bố thỏa thuận bí mật của Tổng thống Trump về di cư
Mexcico ngày 14/6 đã công bố tài liệu mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng giới thiệu với báo chí tuần này như bằng chứng ông đã đưa ra những nhượng bộ mạnh mẽ mới về di cư từ nước láng giềng. Tổng thống Trump đã vẫy vẫy bản tài liệu một trang một cách phô trương trước mặt các phóng viên hôm 11/6, chống lại các ý kiến chỉ trích rằng việc ông sử dụng những đe dọa về thuế quan nhằm buộc Mexico tham gia một thỏa thuận về hạn chế di cư trong thực tế đã được đưa ra theo những cam kết mới từ phía Mexico. Các phóng viên ảnh đã tìm cách chụp một số câu của tài liệu trên, song nội dung đầy đủ không được tiết lộ trước.
Tài liệu trên là một "thỏa thuận đồng ý" đối với thỏa thuận mà Mỹ và Mexico đã ký ngày 7/6 và vạch ra những biện pháp bổ sung hai bên đã nhất trí thực hiện. Theo tài liệu này, hai bên "sẽ bắt đầu thiết lập ngay lập tức những điều khoản cuối cùng của một thỏa thuận ràng buộc song phương, nhằm giải quyết quyết liệt hơn việc chia sẻ gánh nặng và phân chia trách nhiệm đối với với việc xử lý những yêu cầu thân phận tị nạn của người di cư".