Trong sự cố ngày 13/6, tàu chở dầu Front Altair của công ty vận tải Na Uy đã bị bốc cháy sau khi bị tấn công khi đang trên đường từ Qatar đi Đài Loan (Trung Quốc).
Ngay sau đó, tàu chở dầu Kokuka Courageous do Công ty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) vận hành cũng bị bốc cháy khi đang trên đường từ một cảng của Saudi Arabia đến Singapore và Thái Lan.
Ông Yutaka Katada, Chủ tịch Kokuka Sangyo cho biết, các thủy thủ trên tàu Kokuka Courageous đã nhìn thấy "vật thể bay" trước khi xảy ra vụ nổ trên boong. Toàn bộ 21 thủy thủ người Philippines trên tàu đã được sơ tán an toàn và đã trở lại tàu để hỗ trợ việc lai dắt tàu về cảng.
Vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Iran nhằm tìm cách làm trung gian hòa giải căng thẳng giữa Iran và Mỹ.
Vài giờ sau khi vụ việc xảy ra, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo quy kết Iran đã tấn công 2 tàu chở dầu trên, song không đưa ra bằng chứng.
Theo ông Pompeo, Mỹ đưa ra đánh giá này dựa trên "tin tình báo, vũ khí được sử dụng, mức độ chuyên môn cần thiết để thực hiện hành động này và nguồn lực sẵn có của Iran tại khu vực này".
Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó đã công bố đoạn video được cho là ghi hình 1 tàu tuần tra Iran đang gỡ mìn gài trên thành tàu chở dầu Kokuka Courageous của Nhật Bản.
Iran đã kiên quyết bác bỏ cáo buộc của Mỹ, khẳng định cáo buộc này là "vô căn cứ".
Theo Kyodo, các quan chức Chính phủ Nhật Bản vẫn hoài nghi về nhận định của Mỹ. Một quan chức cấp cao của Chính phủ Nhật Bản cho rằng, giải thích của Mỹ chưa giúp vượt qua sự suy đoán và không phải là những bằng chứng cụ thể về việc Iran đứng sau vụ này.
Nhật Bản hiện đang tìm kiếm những bằng chứng rõ ràng thông qua nhiều kênh khác nhau. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nhiều khả năng sẽ đề nghị Mỹ cung cấp bằng chứng trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Pompeo vào ngày 21/6 tới./.