Qua khảo sát tại một số chợ truyền thống, giá các mặt hàng rau xanh thời điểm này tăng từ 20 - 25% so với những tháng trước, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể: Rau muống 7.000 đồng/bó, rau muống cạn 5.000 đồng/bó (tăng 2.000 đồng/bó); bí xanh có giá 20.000 đồng - 30.000 đồng/kg, đậu cô ve có giá 25.000 đồng - 30.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; khoai tây, cà rốt 15.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg; cà tím 18.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng; giá cà chua tăng gần gấp đôi lên 20.000 đồng/kg...
Đặc biệt là hành lá tăng gấp đôi so với mọi năm, hiện ở mức 20.000 đồng/kg (tại ruộng), các loại rau "giải nhiệt" như: mướp, hoa thiên lý, hẹ, mồng tơi... giá tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với trước đó.
Ông Hồ Diên Vỹ - Giám đốc HTX Dịch vụ nông diêm xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) cho biết: “Thời điểm này, toàn xã có 160 ha rau màu các loại, chủ yếu là hành hoa (80% diện tích) còn lại là rau cải, các loại rau lấy củ. Nắng nóng kéo dài khiến việc chăm sóc hết sức vất vả, cây rau sinh trưởng chậm và năng suất sụt giảm.
Trước đây, mỗi ngày chỉ cần phun tưới 2 lượt sáng sớm và chiều tối thì giờ thời lượng tưới luôn duy trì 5 lượt/ngày mới đảm bảo đủ độ ẩm cho cây rau. Trong khi đó, giá điện tăng, mỗi ha rau màu tiêu tốn khoảng 2,3 triệu đồng/tháng. Chi phí đầu vào cao, tác động không nhỏ đến giá rau. So với mọi năm, năm nay, giá rau tăng 30%, sản lượng rau không đủ cung ứng ra thị trường nên dù năng suất giảm nhưng người trồng rau vẫn có lãi.
Chăm sóc khó, sản lượng rau giảm, nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu sử dụng rau xanh tăng cao trong những ngày nắng nóng do đó giá rau tăng được xem là tất yếu. Chị Nguyễn Thị Vinh, tiểu thương chợ Hưng Dũng (TP. Vinh) cho biết: “Nhu cầu sử dụng rau xanh trong những ngày nắng nóng tăng cao nên dù các loại rau khá đắt đỏ nhưng lượng rau xanh tiêu thụ tăng gấp đôi so với ngày thường”.