(Baonghean) - Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ huyện Tương Dương xác định chọn đột phá dựa trên việc củng cố, nâng cao sức mạnh của các tổ chức cơ sở Đảng. Qua đó, tạo nên những chuyển biến trong công tác lãnh đạo, điều hành ở các cấp, ngành, trong đó nổi bật là lĩnh vực kinh tế với việc tập trung xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo.
Nêu cao trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp
Là một trong những huyện được chọn làm huyện điểm tổ chức đại hội Đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2010 – 2015, Tương Dương ghi được nhiều dấu ấn nổi bật trong công tác xây dựng, củng cố sức mạnh của tổ chức đảng. Trong đó, kiện toàn đội ngũ bí thư chi bộ được xem là chủ trương “mũi nhọn”, thông qua 2 giải pháp: nâng cao năng lực chuyên môn - nghiệp vụ và nâng cao trách nhiệm, vai trò đầu mối ở cơ sở.
Để cụ thể định hướng đó, Đảng bộ huyện Tương Dương đã ra 2 nghị quyết, xây dựng 10 đề án thì có đến 5 đề án dành cho công tác xây dựng Đảng. Trong số các đề án nhắm tới mục tiêu củng cố sức mạnh của tổ chức cơ sở đảng, có 3 đề án liên quan đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ đảng viên sinh hoạt tại các cơ quan, đoàn thể các cấp nói chung, đặc biệt tập trung vào lực lượng bí thư chi bộ nói riêng.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, là tổ chức các lớp tập huấn về nhận thức chính trị, triển khai văn bản và hướng dẫn xây dựng Đảng ở cấp cơ sở, với đối tượng học viên là các bí thư chi bộ và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện uỷ và Trưởng ban Đảng trực tiếp tập huấn. Tổng kết quá trình tập huấn, năm 2012, Ban Thường vụ Huyện uỷ quyết định tổ chức Hội thi “Bí thư chi bộ giỏi” cấp huyện. Hội thi được tổ chức theo cụm cơ sở, sau đó chọn ra các thí sinh xuất sắc nhất tham dự hội thi chung kết tổ chức tháng 9/2012. Kết quả, trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích cho các bí thư chi bộ đơn vị sự nghiệp và nông thôn. Với các phần thi như hùng biện, vấn đáp chuyên môn, xử lý tình huống… hội thi không chỉ là dịp củng cố kiến thức, chuyên môn của đội ngũ bí thư chi bộ mà còn tạo môi trường, sân chơi lành mạnh; khuyến khích trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo, xây dựng Đảng; khơi dậy phong trào thi đua giữa các chi bộ và tôn vinh, đề cao vai trò của người bí thư.
Bên cạnh chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, thì vai trò lãnh đạo và đầu mối cơ sở của bí thư chi bộ cũng được quan tâm, đề cao. Các đồng chí cấp uỷ huyện và xã được giao nhiệm vụ cắm cơ sở, phụ trách theo dõi một địa bàn cụ thể. Đồng thời, trực tiếp tham gia sinh hoạt chi bộ thôn bản, khối cơ quan định kỳ: hàng quý đối với Ủy viên Ban Thường vụ và hàng tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành. Đây là một chủ trương được nhân dân và đội ngũ đảng viên tại cơ sở đồng tình đánh giá cao. Đơn cử như tại khối Hòa Tây, Bí thư chi bộ Lương Khăm Niên cho biết: “Với 53 đảng viên sinh hoạt, chi bộ khối Hoà Tây có đảng viên đông nhất trực thuộc Đảng ủy Thị trấn Hòa Bình.
Sự có mặt của các đồng chí cấp ủy huyện và thị trấn không chỉ là nguồn khích lệ, cổ động tinh thần tham gia xây dựng của đảng viên mà còn rút ngắn khoảng cách giữa cấp ủy và cơ sở, giữa các nghị quyết, chủ trương với thực tiễn. Một mặt, sự chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời của cấp ủy giúp việc triển khai các nghị quyết, chủ trương của Đảng đi đúng định hướng. Mặt khác, các đảng viên được trực tiếp đặt câu hỏi, đề xuất tâm tư, nguyện vọng cũng như phản ánh các vấn đề, thực trạng phát sinh trên địa bàn. Qua đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao tính dân chủ, cũng chính là chất lượng tổ chức đảng cấp cơ sở”.
Đồng chí Nguyễn Đình Hiền - Phó Bí thư Đảng uỷ Thị trấn Hoà Bình khẳng định, sinh hoạt chi bộ cơ sở với sự có mặt của các đồng chí cấp ủy đã cải thiện rõ rệt chất lượng sinh hoạt cả về hình thức và nội dung, đồng thời củng cố mối dây liên kết giữa các cấp, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng: “Dưới sự giám sát của đồng chí nguyên Bí thư Huyện uỷ Lương Thanh Hải (nay vừa chuyển công tác khác) và đồng chí Trần Viết Dũng - Ủy viên BCH, Giám đốc Công ty CP Vật tư nông nghiệp, đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và gây dựng được sự tín nhiệm trong đảng viên và quần chúng nhân dân.
Đơn cử như việc một số hộ dân Thị trấn Hoà Bình không đồng tình với quyết định thay đổi mức giá nước, nhờ kịp thời phản ánh lên cấp ủy thông qua sinh hoạt cùng chi bộ, cấp ủy đã có chủ trương chỉ đạo, phối hợp cùng đơn vị liên quan giải quyết nhanh chóng và triệt để. Đến nay đã có quyết định thông báo giá nước mới, nhân dân thị trấn hết sức phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo, quan tâm của cấp uỷ đảng. Qua đây, vai trò chủ trì của người bí thư chi bộ cũng được nêu cao, bởi người bí thư có trách nhiệm phải định hướng chủ đề, nội dung sinh hoạt, thảo luận, khơi dậy tinh thần đóng góp xây dựng của đảng viên trong chi bộ. Làm tốt vai trò cầu nối giữa đảng viên và cấp uỷ đảng, sẽ đem đến niềm tin yêu của đảng viên, quần chúng dành cho bí thư”.
Nói về vai trò của người bí thư chi bộ cơ sở trong công tác xây dựng Đảng, đồng chí Lương Thanh Hải - nguyên Bí thư huyện uỷ huyện Tương Dương (2010 -2/2015) khẳng định: “Để củng cố, kiện toàn Đảng từ cấp cơ sở, chúng tôi nhận định vai trò của người bí thư chi bộ hết sức quan trọng, là đầu mối có ý nghĩa quyết định nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng. Người bí thư có nắm được tinh thần của nghị quyết, chủ trương của Đảng thì mới tuyên truyền, phổ biến được đến đảng viên và quần chúng. Ngược lại, bí thư chi bộ cũng có nhiệm vụ truyền đạt phản hồi từ cơ sở đến cấp uỷ cao hơn, từ đó có sự điều chỉnh, bổ sung để các nghị quyết, chủ trương thực sự sát với tình hình thực tiễn, đi vào đời sống”.
Nhìn từ vĩ mô, việc đề cao tính dân chủ và tính thực tiễn chính là hai trụ cột quan trọng làm nền tảng vững chắc cho hệ thống chính trị các cấp. Bởi, nếu như tính dân chủ đem lại sự liên kết chặt chẽ, trên nền tảng tôn trọng trí tuệ, trách nhiệm và sự tự chủ của mỗi cá nhân thì thực tiễn là tấm gương phản chiếu ý nghĩa, giá trị và sự cần thiết của mỗi chủ trương, đường lối lãnh đạo. Bắt đầu từ người bí thư chi bộ, chính là bắt đầu gốc rễ để tạo chuyển biến cho thân cây, cành lá của tổ chức đảng. Từ đó, đem đến những chuyển biến tích cực không chỉ trong hệ thống chính trị mà còn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đột phá từ các mô hình kinh tế
Tương Dương là 1 trong 3 huyện 30a của tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc xây dựng các mô hình kinh tế, tạo sự lan tỏa được xem là chìa khóa để huyện đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, qua đánh giá vào đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện 2010 - 2015, việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế chưa thành phong trào; quy mô chất lượng, hiệu quả một số mô hình kinh tế chưa xứng với tiềm năng sẵn có của huyện, một số mô hình thực hiện có hiệu quả nhưng không được nhân rộng.
Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương đã ban hành Chỉ thị số 19 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế vào năm 2012. Theo đó, các cấp ủy đảng phải trực tiếp chỉ đạo việc tổng kết công tác xây dựng mô hình kinh tế, đồng thời lựa chọn nội dung để xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với địa phương mình; gắn trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế cho các cấp ủy viên, các tổ chức đoàn thể, cơ quan chuyên môn cấp huyện, trưởng các ban, ngành cấp xã để mỗi năm xây dựng ít nhất 2 - 4 mô hình/bản. HĐND huyện bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về xây dựng mô hình kinh tế, bên cạnh đó, huyện tích cực lồng ghép kinh phí từ Chương trình 135, 30a, khuyến nông - khuyến lâm - khuyến ngư… để xây dựng, triển khai các mô hình. Vì vậy, qua hơn 3 năm thực hiện, Chỉ thị 19 đã tạo nên một làn gió mới trong việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
Chúng tôi đến thăm mô hình ứng dụng KHCN vào sản xuất rau an toàn do Sở KHCN hỗ trợ thực hiện tại bản Phòng, xã Thạch Giám có quy mô 2ha với 25 hộ tham gia. Mô hình triển khai bắt đầu từ vụ đông năm 2012 và đến cuối năm 2013 thì kết thúc. Trong thời gian này, dự án hỗ trợ giống, phân bón, tư vấn đầu ra về sản phẩm, kỹ thuật trồng rau an toàn. Điều đáng phấn khởi là khi dự án kết thúc, người dân đã nắm vững kỹ thuật canh tác và nhân rộng diện tích trồng rau an toàn lên 3ha.
Trên ruộng rau xanh mướt mắt, chị Lô Thị Tâm, trưởng nhóm trồng rau an toàn đang thu hoạch hành và bắp cải vui vẻ cho biết: “Tham gia mô hình, tôi cũng như nhiều gia đình khác biết được cách gieo giống, chăm sóc, bón phân sao cho hiệu quả và an toàn. Bình quân mỗi năm chỉ trồng rau an toàn 4 tháng, nhưng thu nhập mang lại bình quân khoảng 16 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư chỉ khoảng 2 triệu. Nhờ trồng rau mà gia đình tôi đã thoát nghèo”. Cũng như nhiều gia đình ở vùng cao Tương Dương, trước đây hàng ngày chị Tâm cùng chị em trong bản chỉ làm rẫy, vào rừng hái măng, lấy củi, thu nhập hết sức bấp bênh. Tuy nhiên, sau khi thấy được hiệu quả trồng rau an toàn, các chị đã nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc rau và từng bước đa dạng hóa các chủng loại rau nhằm tránh cung cấp một loại rau trong cùng thời điểm sẽ gây ra dư thừa sản phẩm. Hiện nay, diện tích trồng rau sạch đã được bà con nhân rộng lên 3 ha với 43 hộ tham gia sản xuất. Chị Tâm cho biết, đã có 10 hộ trong bản thoát nghèo nhờ tham gia trồng rau.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Bình, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tương Dương, cái được của mô hình đó là tạo thêm việc làm, mang lại thu nhập cao cho người dân, đồng thời cung cấp sản phẩm rau an toàn cho cả huyện Tương Dương.
Chia tay bản Phòng, chúng tôi tiếp tục về thăm mô hình chăn nuôi của gia đình chị Lô Thị Lý ở bản Tam Bông, xã Tam Quang. Năm 2012, chị Lý đã tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi lợn do ngành Khuyến nông triển khai. Qua đó, nắm vững các kiến thức về chọn giống, cách tiêm phòng, cách cho ăn sao cho hiệu quả theo từng thời kỳ sinh trưởng của lợn… Đó là nền tảng để chị tự tin vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi lợn lên 90 con lợn thịt, lợn đen như hiện nay. Bên cạnh đó, gia đình chị Lý còn chăn nuôi thêm bò, dê với quy mô hàng chục con.
“Trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo nhưng được cán bộ tuyên truyền thực hiện mô hình chăn nuôi nên gia đình đã mạnh dạn triển khai. Nhờ đó, nhà tôi đã thoát nghèo, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng nên có tiền để làm nhà”, chị Lý chỉ tay về ngôi nhà mới xây khang trang vui vẻ nói.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bình, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tương Dương cho biết thêm: “Để xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, những năm gần đây, Trạm Khuyến nông rất chú trọng tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn về chăn nuôi lợn cho nông dân. Mỗi lớp được tổ chức trung bình khoảng 3 tháng tận thôn bản, để truyền thụ và hướng dẫn thực hành về kỹ thuật làm chuồng trại, chọn giống, chăm sóc, tiêm phòng và điều trị bệnh. Ngoài ra, hàng năm Chương trình khuyến nông tỉnh hỗ trợ 19 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà, vịt, dê, bò, trồng lúa, cây lâm nghiệp; dự án của Luxembourg hỗ trợ 40 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà, vỗ béo chăn nuôi bò, phòng chống rét cho nông dân. Sau khi tham gia lớp học, nhiều nông dân đã xây dựng được các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao”.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành chuyên môn, trong những năm qua nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được chuyển giao; nhiều mô hình đã được khẳng định trong thực tiễn sản xuất giúp người nông dân Tương Dương nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời, huyện đã tận dụng tốt các cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ đầu tư, khuyến khích phát triển, như: Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình NTM, Dự án VIE/028,... để xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế. Do đó, trong năm 2014, Tương Dương tiếp tục duy trì 207 mô hình phát triển kinh tế từ năm 2012, 2013 và triển khai thêm 47 mô hình kinh tế các loại. Tổng kinh phí đầu tư thực hiện năm 2014 đạt hơn 2,1 tỷ đồng.
Trao đổi về hiệu quả sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị 19, đồng chí Lô Thanh Hài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Với nhiều mô hình đã chứng minh được hiệu quả trong thực tế, điều có thể nhận thấy rõ nhất chính là góp phần thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo ở huyện Tương Dương. Nhưng cái được lớn hơn, đó là những tấm gương, những mô hình kinh tế hiệu quả đã góp phần làm chuyển biến nhận thức, bà con không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà từng bước thay đổi tập quán sản xuất. Từ đó, tạo ra sức lan tỏa trong phát triển kinh tế ở các địa phương. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực chỉ đạo thực hiện để ngày càng có nhiều người dân có ý thức vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương”.
Với những kết quả đã đạt được, bước sang giai đoạn 2016 - 2020, huyện Tương Dương chủ trương tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường; thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội. Bao trùm lên tất cả những nhiệm vụ, mục tiêu đề ra đó, tiếp tục tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, phối hợp với chức năng điều hành của chính quyền và giám sát phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức đoàn thể, nhân dân. Trong đó, tôn chỉ có tác động lớn trên chặng đường dài vẫn là nêu cao vai trò đầu mối của bí thư chi bộ, chính là nêu cao tính dân chủ và phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành và của toàn dân. Đó chính là gốc bền vững để tạo nên những dấu ấn trên các lĩnh vực khác trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện sắp tới.
Thục Anh - Nhật Lệ