(Baonghean) - Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ra đời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phản ánh đúng tâm trạng xã hội, tâm nguyện của nhân dân, mong đợi của cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Bởi vậy, trong suốt quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, Đảng với Dân đã cùng thể hiện quyết tâm, cùng sẻ chia trách nhiệm để xây dựng, chỉnh đốn đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. 

image_8323797.jpgĐồng chí Hồ Đức Phớc kiểm tra đường bê tông nông thôn ở xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ). Ảnh: Sỹ Minh
 
Từ trước đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng với nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư được ban hành. Đại hội XI của Đảng xác định chủ đề, tư tưởng chỉ đạo là phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và đề ra yêu cầu phải xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo... Vì vậy, tại Hội nghị Trung ương 4 đã bàn và ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là để đáp ứng yêu cầu đó, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
 
Nghị quyết Trung ương 4 ra đời, tạo một làn sóng tinh thần phấn chấn, tin tưởng trong toàn Đảng, toàn dân. Với việc thẳng thắn chỉ ra có “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống”, Nghị quyết Trung ương 4 đã bắt “đúng bệnh” để tìm giải pháp “điều trị” cho cơ thể của Đảng khỏe mạnh lên. Điều này đã làm cho “Ý Đảng, lòng dân” được hòa quyện, thể hiện ý chí, quyết tâm cao của Đảng trong thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Vì vậy, Nghị quyết Trung ương 4  thực sự trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân.
 
Theo đó, việc thực hiện nghị quyết không chỉ là công việc trong nội bộ Đảng, mà còn có sự tham gia tích cực của nhân dân, của cả hệ thống chính trị. Việc kiểm điểm, phê bình và tự phê bình được các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở tiến hành một cách bài bản, nghiêm túc, cấp trên làm trước cho cấp dưới noi theo. Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình, lắng nghe ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân, cấp ủy các cấp và từng cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn ưu, khuyết điểm của mình; đồng thời phân tích, làm rõ nguyên nhân của các yếu kém khuyết điểm, hạn chế để đề ra phương hướng, giải pháp sửa chữa khắc phục; có thời gian, lộ trình cụ thể. Nhờ đó, ở những mức độ khác nhau, đã nhận diện rõ hơn những biểu hiện và tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đó là thành công lớn mà Nghị quyết Trung ương 4 mang lại, làm thay đổi một bước về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, dám nhìn thẳng vào sự thật, vào khuyết điểm của mình. 
 
Tinh thần thẳng thắn “tự phê bình và phê bình” của Nghị quyết Trung ương 4 gắn với việc soi vào tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh “nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, đã giúp các tập thể, cá nhân sửa chữa, khắc phục được nhiều khuyết điểm bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, có hiệu quả. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đều đã xây dựng được chuẩn mực nghề nghiệp, chuẩn mực đạo đức công vụ gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, ban hành quy chế, tăng cường giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức. 
 
Việc xử lý những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, cơ quan, đơn vị, cũng được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp triển khai tích cực. Ở cấp tỉnh, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc được tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung phân tích, kết luận rõ ràng, minh bạch, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao về tư tưởng chỉ đạo và quyết liệt hành động. Thể hiện ở việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nghiêm cấm uống rượu, bia trong các ngày làm việc được thực hiện nghiêm theo tinh thần Chỉ thị số 17/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chấn chỉnh công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý người lao động trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp thông qua ban hành Chỉ thị số 26/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; quy định cụ thể về sử dụng xe công, tổ chức các hội nghị, lễ cưới. Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh hoặc thu hồi các dự án đã cấp phép nhưng chậm triển khai; tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, quản lý đất đai, môi trường; rà soát, kiện toàn tổ chức và sắp xếp, bố trí lại cán bộ đáp ứng đòi hỏi mới của thực tiễn;...
 
Tương tự, nhiều ngành, địa phương, đơn vị cũng tập trung những việc làm có tác dụng tích cực, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đảng bộ huyện Anh Sơn tập trung giải quyết những việc “cần làm ngay” như tăng cường giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; khắc phục tồn tại trong cấp GCNQSDĐ sai quy định, hay giải quyết những vấn đề còn vướng mắc xung quanh việc ký hợp đồng lao động ngắn hạn...
 
Ở cấp cơ sở như Đảng bộ xã Tào Sơn (Anh Sơn) đã thành lập tổ trực tuần để giám sát việc thực hiện Chỉ thị 17, sau đó thông báo tình hình vào buổi chào cờ đầu tuần (sáng thứ Hai) để nhắc nhở, phê bình hoặc biểu dương cán bộ, công chức. Đồng chí Hoàng Văn Đức – Bí thư Đảng ủy xã, chia sẻ: “Ban đầu có nhiều đồng chí còn nặng nề vì bị phê bình, nhưng rồi, xem đây như việc kiểm điểm, là cách sửa mình, sửa cho đồng chí mình. Qua đó, khắc phục được “bệnh” hình thức trong đăng ký làm theo Bác”.
 
Hay ở huyện Yên Thành, các cấp ủy đảng xác định Nghị quyết Trung ương 4 là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là việc tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc, vấn đề nhân dân quan tâm. Theo đó, các vấn đề phát hiện sau thanh tra, kiểm tra đều được xử lý nghiêm như: xử lý việc sử dụng sai mục đích tiền thu từ cấp quyền sử dụng đất ở các xã Tân Thành, Công Thành, Minh Thành, Phúc Thành...; xử lý, thu hồi tiền hỗ trợ nông nghiệp, hỗ trợ thiên tai sử dụng sai mục đích.
 
Ở cấp cơ sở, nhiều địa phương cũng đã lựa chọn những khâu ách yếu để dồn sức và lực làm cho bằng được. Là xã khó khăn, vùng bán sơn địa, nhiệm vụ được Đảng ủy xã Đại Thành tập trung là chỉ đạo phát triển kinh tế theo hướng trang trại. Hiện tại ở xã Đại Thành đã có hàng chục trang trại, gia trại lớn, trong đó có những trang trại mỗi năm thu lãi 500 – 700 triệu đồng. Đảng ủy xã cũng tiến hành sắp xếp, bố trí lại cán bộ theo hướng kiêm nhiệm, đúng năng lực, sở trường của từng người (chủ yếu cán bộ cấp xã kiêm nhiệm ở cấp xóm), từ đó nâng cao chất lượng cán bộ “biết nhiều việc và sâu một việc”...
 
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, với tinh thần “cùng quyết tâm, cùng chia sẻ” của toàn Đảng, toàn dân để xây dựng Đảng vững mạnh, đến thời điểm này tất cả 9/9 việc được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định “cần làm ngay” đã cơ bản thực hiện xong. Cấp huyện và đảng ủy trực thuộc có 190/206 việc “cần làm ngay” và 50% tồn tại, khuyết điểm được khắc phục; một số việc, nội dung đang trong quá trình xử lý, hoặc được xác định trở thành việc làm thường xuyên. Cấp cơ sở thực hiện những việc “cần làm ngay” đạt tỷ lệ 86,2%... 
 
Nhờ đó, tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh có mức tăng trưởng khả quan; nhiều dự án đầu tư được thu hút, tạo những điểm nhấn quan trọng trong bức tranh kinh tế Nghệ An. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp được tăng cường. Vai trò của người đứng đầu trong tập thể thể hiện rõ nét hơn, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích tập thể lên trên, thực hiện đúng nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.
 
Với những kết quả trên, có thể thấy, mặc dù so với yêu cầu và mong đợi của cán bộ, đảng viên cùng toàn thể nhân dân, thì chưa thật hài lòng và thỏa mãn, nhưng việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 gắn với học tập làm theo Bác, đã tạo chuyển biến tích cực và đạt kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, thật sự “là đạo đức, là văn minh”. Khi Đảng ta đủ mạnh mới đủ sức lãnh đạo để thực hiện các mục tiêu mà Đảng đề ra. Muốn Đảng mạnh phải có đội ngũ cán bộ, đảng viên tốt, như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc đã nói “trước hết phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng, vừa chuyên, trách nhiệm cao, năng lực giỏi, có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng”. Để xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên như vậy, rất cần phải có tinh thần “Cùng quyết tâm, cùng chia sẻ” của dân với Đảng.
 
Mai Hoa – Thanh Nga