(Baonghean) - Giám sát là một trong những chức năng chủ yếu và là hoạt động mang tính phản biện cao của HĐND. Năm 2012, HĐND tỉnh và cấp huyện đã tăng cường hoạt động giám sát, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của HĐND. Kết quả hoạt động giám sát của HĐND hai cấp đã có tác dụng tích cực trong việc giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của địa phương.

Giữa tháng 4/2012, đoàn giám sát HĐND tỉnh tiến hành đi giám sát vụ việc gây ô nhiễm môi trường của Trại lợn giống ngoại Thái Dương (xã Đại Sơn, huyện Đô Lương). Từ năm 2010, giữa người dân địa phương với doanh nghiệp Thái Dương đã có những cuộc mâu thuẫn do tình trạng ô nhiễm từ trại chăn nuôi lợn của doanh nghiệp này trên địa bàn. Đỉnh điểm là ngày 31/12/2011, một bộ phận người dân xã Đại Sơn đã vào trại lợn đập phá và mở chuồng đuổi lợn ra ngoài đồng. Sau khi sự việc xảy ra, các cấp, các ngành đã vào cuộc giải quyết, lập lại trật tự an ninh và chỉ đạo yêu cầu doanh nghiệp thực hiện cam kết xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa chấp hành đúng theo yêu cầu và thời gian quy định. Rất nhiều phương án xử lý trước đó của các cấp chính quyền địa phương có sự chỉ đạo của tỉnh, vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

787873_small_88700.jpg

Đoàn đại biểu HĐND tỉnh thăm cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quỳnh Lưu.

Với mong muốn nắm bắt vấn đề một cách cụ thể, tháng 4, đoàn giám sát HĐND tỉnh đã trực tiếp vào từng chuồng trại chăn nuôi, xem xét từng ống dẫn, bể chứa và hố xử lý chất thải; tìm hiểu tiến độ xử lý khắc phục ô nhiễm của doanh nghiệp. Từ thực tiễn ghi nhận được, đoàn giám sát đã thể hiện rõ quan điểm của mình trong vấn đề giải quyết vụ việc. Theo đó, đoàn yêu cầu doanh nghiệp chấp hành nghiêm văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh là giảm tổng đàn xuống còn 5.000 con (thời điểm giám sát còn khoảng hơn 8.000 con lợn), đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, doanh nghiệp phải thể hiện được tinh thần cầu thị, coi sự ủng hộ của người dân như một điều kiện để phát triển bền vững.

Đoàn cũng trực tiếp đến một số gia đình bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm từ trại lợn để gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Vừa chia sẻ những khó khăn mà người dân đang gánh chịu vì ô nhiễm, đoàn cũng đề nghị người dân cần bình tĩnh để các cấp, các ngành giải quyết và để phía doanh nghiệp có thời gian xử lý ô nhiễm; ủng hộ chính sách tái định cư khi Nhà nước triển khai. Làm rõ việc người dân phản ứng, đấu tranh trước bức xúc ô nhiễm là đúng, nhưng đấu tranh phải có phương pháp và đúng luật. Đoàn cũng yêu cầu chính quyền địa phương quan tâm tập trung giải thích, vận động bà con nhân dân bình tĩnh để từng bước giải quyết những vấn đề đang tồn tại ở trại lợn. Ngay sau cuộc giám sát trực tiếp tại hiện trường, đoàn đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh, yêu cầu chỉ đạo các ngành chuyên môn giám sát chặt chẽ việc xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường ở Trại lợn giống ngoại Thái Dương.

Nhờ thông qua giám sát, sự đốc thúc và theo đuổi đến cùng sự việc, các vướng mắc ở vụ việc trên đã được các bên thực hiện. Khu tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng ô nhiễm của trại lợn đang được gấp rút hoàn thành để thực hiện di dân trong thời gian tới. Ô nhiễm môi trường đã cơ bản được xử lý nên an ninh, trật tự đã ổn định và yên dân trở lại.

Cuộc giám sát việc khắc phục ô nhiễm môi trường tại Trại lợn giống ngoại Thái Dương nằm trong 19 cuộc giám sát chuyên đề và hàng chục cuộc khảo sát được Thường trực và các Ban HĐND tỉnh thực hiện trong năm 2012. Bên cạnh đó, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh cũng đã tiến hành một số cuộc giám sát đột xuất, như: giám sát việc thực hiện thu ngân sách; giám sát, khảo sát việc giải quyết đơn thư, tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện giải quyết đơn thư phức tạp kéo dài tại các địa phương: Yên Thành, Hưng Nguyên, Tân Kỳ, Thị xã Thái Hòa, Thanh Chương, Thành phố Vinh...

Sau giám sát, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đã kiểm tra, rà soát lại kết quả giám sát để báo cáo một cách khoa học, cụ thể, nêu rõ được những mặt đạt được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân khách quan, chủ quan, đồng thời kiến nghị các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém đó của đối tượng được giám sát và đúng phạm vi trách nhiệm của đối tượng phải thực hiện.

Ví dụ, giám sát về công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh đã chỉ ra tồn tại lớn nhất là tình trạng đầu tư dàn trải, dẫn đến nhiều công trình chậm tiến độ, qua đó đề nghị Sở Kế hoạch – Đầu tư cần đổi mới công tác ghi vốn, tránh dàn trải, đồng thời rà soát, xem xét những công trình có tính khả thi thấp để thu hồi, chuyển vốn cho những dự án có tính khả thi cao, các dự án trọng điểm của tỉnh. Hay như giám sát việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, HĐND tỉnh đã thẳng thắn nêu rõ tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các cấp, các ngành là 50% và không hài lòng cũng 50%; đồng thời chỉ rõ từng cơ quan, đơn vị cụ thể mà ở đó vai trò của cấp ủy đảng và người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính chưa thật sự rõ nét...

Hoặc qua khảo sát chất lượng quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh đã đề nghị các cấp chính quyền tăng cường chỉ đạo, quản lý đầu tư cho lĩnh vực này, trong đó quan tâm gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP; phát huy vai trò của cơ quan thông tin đại chúng, của các tổ chức, đoàn thể trong xã hội tham gia giám sát và phát hiện kịp thời các vi phạm pháp luật về VSATTP... Cách làm mới của HĐND tỉnh lần này là sau các cuộc giám sát, Thường trực HĐND tỉnh tiến hành tổng hợp lại các kiến nghị của các đoàn giám sát của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh để gửi cho UBND tỉnh yêu cầu chỉ đạo các ngành chuyên môn của mình tiếp thu và giải trình các tiếp thu, kiến nghị của các đoàn giám sát để báo cáo thường xuyên cho Thường trực và các Ban, báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh.

Cùng với HĐND tỉnh, hoạt động giám sát ở HĐND cấp huyện trong năm 2012 cũng khá tích cực, tập trung vào các nội dung mà thực tiễn đang đặt ra ở từng địa phương. Đơn cử như ở huyện Nghĩa Đàn, HĐND huyện lựa chọn nội dung triển khai xây dựng NTM để tiến hành giám sát. Và địa bàn được lựa chọn giám sát đại diện cho 3 loại hình, gồm xã từ nông trường cũ chuyển sang (Nghĩa Phú), xã có 90% đồng bào dân tộc thiểu số (Nghĩa Mai), xã có dân cư đông, xã lớn, điều kiện khó khăn (Nghĩa Lộc). Thông qua giám sát phát hiện hàng loạt vấn đề khó khăn ở cơ sở, từ các bước triển khai xây dựng NTM, huy động nguồn lực để xây dựng các tiêu chí đến việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước... Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND huyện đã cung cấp cho UBND huyện và các ngành chuyên môn tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và gợi mở cho các địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, nhất là huy động các nguồn lực xây dựng NTM.

Cùng với nội dung NTM, HĐND huyện cũng tập trung giám sát toàn diện các kiến nghị, đề xuất của cử tri. Bà Lại Thị Bích Liên – Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn, cho biết: Năm 2012, HĐND huyện Nghĩa Đàn đã tổ chức 12 cuộc giám sát, khảo sát. Trên cơ sở kiến nghị của HĐND sau giám sát gửi đến các cấp, các ngành, thì các ngành, địa phương đều quan tâm, trách nhiệm hơn đối với nhiệm vụ của mình, huy động tốt hơn năng lực và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, được đông đảo cử tri ghi nhận và tạo bước chuyển biến tích cực hơn cho địa phương.

Nhìn chung, các vấn đề mà Thường trực và các Ban HĐND các cấp tiến hành giám sát, khảo sát thời gian qua đều đã phát hiện đúng bản chất những bất cập, tồn tại, vướng mắc, chỉ rõ những vi phạm, những yếu kém tồn tại của từng tổ chức, cá nhân, từ đó, kịp thời kiến nghị, đôn đốc các ngành, các cấp giải quyết và kịp thời sửa đổi, bổ sung để các việc hoặc lĩnh vực giám sát trở nên tốt hơn, góp phần thực hiện tốt hơn công tác quản lý, điều hành phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, ở một số nội dung giám sát của HĐND tỉnh chưa được các đối tượng được giám sát tiếp thu, giải quyết và trả lời kịp thời, dẫn đến hiệu quả giám sát còn có những hạn chế nhất định. Một số cuộc giám sát chưa phát hiện rõ sai phạm, thiếu sót, khuyết điểm để khắc phục ngay, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giám sát, đặc biệt là chất lượng “hậu” giám sát. Mặt khác, vẫn có một số cuộc giám sát còn trùng lặp về địa điểm, thời gian, thành phần, đối tượng giám sát; điều kiện để thông tin đến các đại biểu tham gia giám sát cũng có phần hạn chế. Đặc biệt, hoạt động giám sát HĐND các cấp thời gian qua mới chủ yếu dừng lại việc giám sát đi, chứ chưa quan tâm thực hiện giám sát trở lại các vấn đề đã được giám sát, xem hiệu quả giám sát đạt mức độ nào, nơi được giám sát có khắc phục yếu kém, tồn tại hay không, cử tri đánh giá mức độ hài lòng như thế nào đối với đại biểu dân cử...

Do vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát, thời gian tới, HĐND các cấp quan tâm giám sát trở lại các vấn đề được giám sát, “đeo bám” đến cùng các vấn đề được giám sát, góp phần khẳng định sức mạnh phản biện xã hội của cơ quan HĐND. Tuy nhiên, trước hết vẫn chú trọng công tác tuyên truyền để đối tượng được giám sát (cơ quan, đơn vị); nhân dân và ngay cả đại biểu HĐND hiểu được ý nghĩa cao cả của hoạt động giám sát là mang tính phản biện xã hội để xây dựng phát triển; đồng thời có tác dụng ngăn ngừa các sai phạm khi chưa quá muộn..., từ đó thể hiện tinh thần trách nhiệm chung đối với hoạt động giám sát của HĐND để hoạt động này thực sự có ý nghĩa.


Mai Hoa