(Baonghean) Năm 2012 - Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào, hai nước Việt Nam - Lào sôi động các hoạt động Kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2012) và 35 năm ngày kí Hiệp ước hữu nghị hợp tác (1/8/1977 -1/8/2012). Tình cảm đặc biệt giữa 2 nước trong 50 năm qua là cơ sở để các nhà lãnh đạo cao cấp của 2 Đảng, 2 Nhà nước có những cam kết mạnh mẽ, khẳng định phát triển sâu sắc, bền vững mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước anh em “núi liền núi - sông liền sông”.
Tình Việt - Lào. Ảnh: Duy Ngoãn.
Trong không khí thắm tình hữu nghị nhân Kỷ niệm 37 năm Ngày Quốc khánh của nước bạn Lào (2/12/1975-2/12/2012), tôi được chứng kiến cuộc hội ngộ cảm động giữa ông Phạm Văn Thiệp – nguyên Giám đốc Trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc Bộ LĐ-TB&XH và ông Sivilay Kẹo Búp phá phăn – nguyên Giám đốc Xí nghiệp chân tay giả 686 thuộc Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội (LĐ và PLXH) Lào. Cả ông Thiệp và ông Sivilay đều đến TP. Vinh theo lời mời riêng của của mỗi Bộ. Quá bất ngờ, hai người đàn ông ở cái tuổi ngũ tuần tay bắt mặt mừng, cười nói rôm rả, ôn lại chuyện xưa từng trải qua trong thời kỳ gian khó.
Bắt đầu từ năm 1963, ông Sivilay là 1 trong 43 cán bộ Lào thuộc Đoàn 18 Na Then, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào sang học bổ túc văn hóa ở Bắc Giang 2 năm. Kết thúc khóa học, ông cùng 24 học viên được chọn làm nhân sự để thành lập Xí nghiệp chân tay giả (gọi tắt CT38 – tiền thân của Xí nghiệp chân tay giả 686 của Bộ LĐ và PLXH Lào hiện nay) tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Sau 3 năm được đào tạo về chỉnh hình phục hồi chức năng, toàn bộ cán bộ, công nhân của CT38 được chuyển về Cẩm Thủy - Thanh Hóa để tiện cho thương binh Lào chuyển sang chữa trị. Đến năm 1976, CT38 chính thức chuyển sang bản Na Then, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Trong thời gian này, ông Thiệp phụ trách đào tạo cho các bạn Lào tại Xí nghiệp CT38 và ở đó ông có những tình bạn đẹp với những đồng chí Lào, một trong số đó là ông Sivilay.“Khi sang Việt Nam, chúng tôi được đào tạo cả kiến thức văn hóa và chuyên môn. Sau khi về nước, các bạn Việt Nam lại hỗ trợ cả một xí nghiệp hoàn chỉnh điều trị, lắp ghép cho thương binh và người dân Lào. Điều này rất thiết thực và ý nghĩa, vì cũng như Việt Nam, trong thời gian chiến tranh bộ đội và dân thường Lào bị thương tật rất nhiều. Nhờ có sự hỗ trợ chí tình đó mà nhiều người Lào đã có cơ hội hòa nhập vào cuộc sống hàng ngày”, ông Sivilay chia sẻ.
Còn trên phương diện gia đình, ông Sivilay có những sự kiện gắn bó mật thiết với đất nước và con người Việt Nam. Một trong những kỷ niệm đặc biệt là đám cưới của ông và vợ vốn là y tá trong Đại sứ quán Lào ở Việt Nam được tổ chức đơn sơ, mộc mạc trong một cánh rừng ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa khi ông làm việc ở đây. “Đám cưới được tổ chức năm 1969 ở trong rừng để ngụy trang, tránh máy bay địch phát hiện. Hôm đó, có cả sự góp mặt của của anh em trong đơn vị, các bạn Việt Nam dự và chung vui với vợ chồng tôi. Giản dị nhưng ấm áp lắm! Cả 4 đứa con của tôi cũng sinh ở Việt Nam, nói tiếng Việt sành sỏi. Bây giờ, các cháu cũng đang công tác tại Xí nghiệp 686 đó”, ông Sivilay cho biết.
Còn với ông Thiệp, hình ảnh anh Bí thư Chi đoàn Xí nghiệp CT38 Sivilay năng động, hoạt bát, tình cảm vẫn in sâu trong tâm trí ông. “Tôi với anh Sivilay quen biết và gắn bó thân thiết với nhau đến bây giờ. Tôi sinh năm 1949, còn Sivilay sinh năm 1942 nên tôi coi Sivilay như anh của mình, làm việc cùng nhau hơn 10 năm trời, sướng khổ cùng nhau đều trải qua hết rồi. Sau năm 1976, mỗi người mỗi nước nhưng có chung công việc và lĩnh vực hợp tác giữa 2 Bộ nên anh em cũng được gặp nhau thường xuyên, lúc ở Lào, lúc lại ở Việt Nam”, ông Thiệp nhớ lại. Tình bạn kéo dài xuyên qua 2 thế kỷ giữa ông Thiệp và ông Sivilay chỉ là một trong muôn ngàn “viên gạch” xây đắp nên mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa 2 đất nước. Nói như ông Thiệp: “Tình cảm các bạn Lào rất chân thành, cởi mở, trân trọng như anh em ruột. Chúng tôi sang Lào cảm thấy gần gũi, gắn bó như ở quê hương mình vậy”. Thế mới biết, mối quan hệ Việt – Lào đã vượt qua được khoảng cách văn hóa, ngôn ngữ, địa lý lẫn các nghi thức ngoại giao giữa 2 quốc gia.
Trong 2 ngày đầu tháng 12, có nhiều hoạt động kỷ niệm chung được tổ chức với lịch trình dày đặc ấn định sẵn. Vậy nhưng, lãnh đạo của cả Bộ LĐ – TB & XH nước ta và Bộ LĐ & PLXH Lào vẫn dành thời gian eo hẹp vượt quãng đường xa hơn 100km viếng thăm nghĩa trang liệt sỹ Việt – Lào tại huyện Anh Sơn. Nơi đây là địa chỉ đỏ gợi nhắc lại những hy sinh to lớn của chiến sỹ, chuyên gia Việt Nam trên đất bạn Lào trong cuộc chiến vệ quốc chống lại kẻ thù chung của 2 đất nước, 2 dân tộc. Bộ trưởng Bộ LĐ & PLXH Lào onchanh Thammavong – một người từng sơ tán sang huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An trong thời gian chiến tranh, đã không kìm được xúc động khi đến thăm nơi đây. Nhìn từng động tác cẩn thận, thành kính theo phong tục của dân tộc Lào trong lễ dâng hương và ánh mắt đỏ hoe không giấu nổi xúc động của bà khi tận tay thắp những nén hương lên từng phần mộ của các chiến sỹ, mới thấy hết tình cảm của bà Bộ trưởng dành cho Việt Nam.
Lễ chúc phúc Tết cổ truyền Bunpimay tổ chức tại Trường Đại học Vinh.
Ảnh: Thanh Phúc.
Không riêng tại Nghĩa trang liệt sỹ Việt – Lào, khi phát biểu trước sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh hay trong mít tinh kỷ niệm giữa 2 Bộ, Bộ trưởng onchanh Thammavong nhiều lần nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình cảm đặc biệt giữa 2 nước và khẳng định sẽ tiếp tục vun đắp phát triển để tình cảm đó mãi trường tồn dù trong bất cứ hoàn cảnh, thời gian nào. “Chừng nào dòng Mê Kông chưa khô cạn, chừng nào dãy Trường Sơn hùng vĩ kia chưa sập xuống, chừng đó tình đoàn kết hữu nghị Lào – Việt sẽ mãi trường tồn”, Bộ trưởng onchanh Thammavong nhắc lại lời của đồng chí Chumalay Xaynhaxỏn – Tổng Bí thư Đảng nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước CHDCND Lào tại Lễ mít tinh kỷ niệm Năm đoàn kết hữu nghị Lào – Việt Nam và Việt Nam – Lào tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào ngày 19/7/2012, trong lễ kỷ niệm của 2 Bộ tại Nghệ An.
Có lẽ không đâu trên thế giới, sự hợp tác giữa 2 quốc gia lại có bề dày lịch sử, trải rộng trên tất cả các lĩnh vực như Việt Nam và Lào. Suốt nửa thế kỷ qua, mối quan hệ hợp tác giữa Bộ LĐ – TB &XH Việt Nam và Bộ LĐ & PLXH Lào đã dần phát triển rộng trên nhiều lĩnh vực, không chỉ dừng lại ở mức độ hợp tác về phúc lợi xã hội, quy tập hài cốt liệt sỹ mà còn chuyển sang hợp tác ở lĩnh vực lao động, đào tạo cán bộ, dạy nghề. Và trong thời gian tới, định hướng phát triển hợp tác giữa 2 Bộ sẽ hòa vào dòng chảy chung của Định hướng cơ bản chiến lược hợp tác Việt Nam – Lào giai đoạn 2011 -2020, đó là: “Phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào trở thành động lực tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của mỗi nước”. Cũng trong buổi lễ kỷ niệm giữa 2 Bộ của 2 nước, sự hiện diện của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị đã chứng minh cho tình cảm chân thành, cam kết phát triển mối quan hệ Việt – Lào của Đảng và Chính phủ nước ta. “Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong 50 năm qua, tôi tin tưởng rằng, quan hệ hợp tác giữa Bộ LĐ –TB &XH Việt Nam và Bộ LĐ & PLXH Lào trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển manh mẽ hơn, góp phần đưa quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt – Lào lên tầm cao mới, vì lợi ích chung của nhân dân 2 nước chúng ta”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Xin trích lời của bạn Bunta Xipaxợt – công tác tại Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ LĐ & PLXH Lào như lời kết cho bài viết này: “Vì đặc thù công việc nên có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nước. Tuy nhiên, mỗi lần được làm việc với các bạn Việt Nam hay đi công tác ở Việt Nam, cảm xúc bao giờ cũng đặc biệt, mối quan hệ công việc cũng hết sức gần gũi, chân thành. Chúc cho mối quan hệ giữa 2 nước ngày càng sâu sắc, mãi mãi bền vững”.
Ấm nồng tình bạn Việt - Lào
Thành Duy