Ông Vừ Bá Dìa ở bản Huồi Mũ, xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) đi thăm nương lúa của gia đình trở về. Ông buồn bã cho biết: “Năm nay gia đình ta không biết lấy gạo đâu mà ăn. Chuột phá hoại hết rồi. Ta trồng 2ha mà bị chuột cắn phá 1,8ha rồi”. Còn tại bản Na Ni, cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, gia đình ông Vừ Bá Khù trồng 1ha lúa rẫy thì bị chuột phá hoại đến 0,9ha.
Ông Vừ Bá Khù cho biết, năm nay chuột không chỉ phá hoại một lần, mà từ vụ mùa tháng 8 vừa rồi khi lúa mới lên đòng thì chuột đã tấn công. Đến thời điểm cuối tháng 10, đầu tháng 11 lại tiếp tục.
Ông Hạ Bá Lỳ - Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ cũng khẳng định, hộ ông Vừa Nỏ Chò, Vừ Bá Dìa là những hộ có diện tích lúa bị chuột phá hoại nhiều nhất của bản Na Ni, bản Huồi Mũ. Bản Na Ni người dân trồng 14,2ha lúa rẫy thì bị chuột phá hoại 5,8ha. Còn bản Huồi Mũ có 13ha lúa rẫy, qua kiểm tra cho thấy đã có 7,3ha bị chuột cắn gãy ngang thân, ăn hạt khiến các rẫy lúa xơ xác, người dân mất mùa nặng.
Toàn xã Huồi Tụ người dân gieo trồng 66,2ha lúa. Sau khi phát hiện hiện tượng chuột phá hoại trên các rẫy lúa, cán bộ xã và các gia đình, ban cán sự các thôn bản đã đi thực địa nhiều lần để kiểm tra, đánh giá thiệt hại, sau đó báo cáo với cấp trên. Ông Hạ Bá Lỳ cho biết thêm, qua kiểm tra thực địa, diện tích lúa Huồi Tụ có hơn 80ha/320ha lúa rẫy bị chuột cắn phá, hầu như không còn khả năng thu hoạch ở các nương rẫy, nhiều vạt lúa của người dân mất trắng do chuột cắn phá mạnh.
Không chỉ ở Huồi Tụ, nhiều rẫy lúa của đồng bào dân tộc Mông ở các xã khác của huyện biên giới Kỳ Sơn như Nậm Cắn, Nậm Càn, Na Loi, Keng Đu, Đoọc Mạy…cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Cán bộ UBND xã Na Loi cho biết, toàn xã có 104ha lúa, gồm lúa nước và lúa rẫy. Nhiều diện tích lúa nước có bị chuột phá hoại, song thiệt hại không nhiều do các ruộng lúa nước gần khu dân cư, người dân thường xuyên thăm đồng và chăng bạt nilon ngăn chặn. Tại 2 bản Huồi Sàn và Đồn Boọng của xã, người dân chủ yếu trồng lúa rẫy, diện tích thiệt hại do chuột cắn phá chiếm khoảng 60% diện tích gieo trồng, nhiều vạt rẫy bị mất trắng.
Còn tại xã Keng Đu, ông Lương Văn Ngam - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cũng cho biết, hiện chính quyền đang lo lắng về thời gian sắp tới người dân sẽ lâm vào cảnh thiếu đói khi các nương lúa rẫy của bà con bị thiệt hại, dẫn đến mất mùa do bị chuột tấn công.
Thông tin về tình trạng này, ông Vi Oanh - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn cho biết, huyện đã nhận được báo cáo của các xã về tình trạng chuột cắn phá làm thiệt hại mùa màng trên các nương lúa, ngô của người dân.
“Năm 2021 trên địa bàn huyện Kỳ Sơn thời tiết khí hậu nắng nóng xen kẽ các đợt mưa tạo điều kiện thuận lợi cho các loại cây trồng phát triển nhưng cũng là điều kiện cho sâu bệnh hại xuất hiện và gây hại nhiều trên diện tích gừng; ngô và lúa rẫy. Cụ thể là bệnh thối củ trên cây gừng do nấm và vi khuẩn, chuột hoang phát triển thành đàn lớn gây hoại cây lúa, cây ngô trên địa bàn 14 xã. Về cây lúa, diện tích trồng sau xác minh 4.807 ha; trong đó diện tích bị gây hại là 1.035 ha. Về cây ngô, diện tích bị chuột cắn phá gây hại là120ha/618 ha” - ông Vi Oanh nói.
Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuột phát hoại ngày một nhiều là do cơ cấu cây trồng, mùa vụ nông nghiệp ngày càng đa dạng; cùng với đó là diện tích đất nương rẫy nhiều là điều kiện thuận lợi để chuột trú ngụ sinh sản, phát triển nhanh. Trong khi đó, các biện pháp phòng trừ hầu như không hiệu quả do địa hình rừng núi hiểm trở, phần diện tích canh tác nương rẫy xa khu dân cư… Sau khi tiếp nhận thông tin và báo cáo từ các xã, phòng Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp Trung tâm dịch vụ nông nghiệp chỉ đạo các xã sử dụng các biện pháp diệt chuột theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Bên cạnh hướng dẫn người dân phòng trừ chuột phá hoại mùa màng, Phòng Nông nghiệp và PTNT Kỳ Sơn cũng kiến nghị UBND huyện có định hướng chỉ đạo xin gạo hỗ trợ cứu đói cho người dân. Lý do bởi diện tích lúa, ngô bị mất do chuột phá hoại không nằm trong quy định công bố của Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 05/06/2017 của UBND tỉnh Nghệ An, quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.