Năm 2018, gia đình bà Ngân Thị May, bản La Ngan, xã Chiêu Lưu gieo trồng được trên 50 kg lúa giống. Theo bà May cho biết: Với lượng giống này hàng năm, gia đình bà thu được từ 40 đến 50 bì lúa mới. Đây được coi là nguồn thu chính trong cả một năm của gia đình. Tuy nhiên, cây lúa đang phát triển tốt thì sau 2 cơn bão số 3 và số 4, một nửa diện tích lúa rẫy của gia đình bà May có hiện tượng lá ngả màu vàng rồi chết dần, khiến bà May rất lo lắng.

nhieu_dien_tich_lua_chet_hang_loat7898819_1492018.jpgNhiều diện tích lúa rẫy bị chết khiến bà con nông dân không khỏi lo lắng. Ảnh: Lữ Phú
Bản La Ngan, xã Chiêu Lưu, có 148 hộ dân hầu hết là đồng bào dân tộc Khơ Mú, với trên 95% số dân sản xuất nương rẫy. Đây cũng là nguồn cung cấp lương thực chính cho người dân trong bản. Tuy nhiên theo ban quản lý bản thì hiện nay, gần như tất cả các diện tích đất rẫy trong bản đều có hiện tượng lúa rẫy chết hàng loạt.

Ông Moong Bình Tư, Phó bản La Ngan chia sẻ: “Hiện ở bản, rẫy nhà nào cũng có lúa chết, thậm chí có nhà lúa chết hơn một nửa rẫy. Người dân rất lo, ngoài cái lo thiếu đói còn nỗi lo không có lúa mới để cúng tổ tiên theo phong tục”.

Bà Ngân Thị May, bản La Ngan, xã Chiêu Lưu cho biết, hiện nay lúa rẫy của gia đình bà đã chết gần một nửa. Ảnh: Lữ Phú
Theo ông Mạc Văn Mằn, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Chiêu Lưu, sau khi nhận được thông tin nhiều diện tích lúa rẫy của người dân trong xã có hiện tượng chết hàng loạt, cán bộ xã đã đi kiểm tra, xác minh.
Không chỉ xảy ra tại  địa bàn xã Chiêu Lưu, hiện nay, các xã như Hữu Kiệm, Phà Đánh, Huồi Tụ, cũng có nhiều vạt rẫy có số lúa chết nhiều.
Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã đi kiểm tra diện tích lúa chết tại xã Chiêu Lưu. Ảnh: Lữ Phú
Còn tại xã Mường Ải, một trong những địa phương thiệt hại nặng nề về người và tài sản trong các đợt mưa lũ liên tiếp trong thời gian gần đây, toàn xã có 319 ha lúa rẫy thì có trên 200 ha bị sạt lở đất vùi lấp, lũ cuốn và chết…

Theo anh Chương Văn Anh, cán bộ địa chính xã Mường Ải: “Hiện xã đang lập danh sách báo lên huyện để xin kinh phí hỗ trợ người dân vì hiện nay người dân đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của mưa lũ vừa qua”.

Ngoài ra hiện nay dịch sâu cuốn lá trên cây lúa cũng đang phát triển, có nguy cơ bùng phát tại các địa bàn này. Ảnh: Lữ Phú
Cây lúa rẫy là cây lương thực chủ lực của đồng bào các dân tộc huyện vùng cao Kỳ Sơn nói riêng, đồng bào miền núi nói chung, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo lương thực cho người dân. Năm 2018, bà con nông nhân huyện vùng cao Kỳ Sơn gieo trỉa được trên 6.750 ha lúa rẫy, hiện đang vào giai đoạn làm đòng và trổ bông. Tuy nhiên, với hiện tượng lúa rẫy chết hàng loạt như hiện nay, nhiều diện tích có nguy cơ mất trắng, thì việc thiếu đói là rất dễ xảy ra.