(Baonghean) - Phát huy lợi thế của một xã có diện tích vùng đồi núi lớn, những năm gần đây, phong trào chăn nuôi gia súc ở Nam Hưng (Nam Đàn) phát triển mạnh. Đặc biệt nghề chăn nuôi dê đang được coi là mũi nhọn, đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ nông dân...
 
Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi dê của gia đình Anh Trần Văn Hiền (ở xóm 3/2- xã Nam Hưng) đúng lúc anh đang chuẩn bị lùa đàn dê hơn 40 con đi chăn thả trên vùng đồi trồng keo, bạch đàn kề sát nhà rộng chừng 3 ha. Anh Hiền giải thích - "Phải thả vào thời điểm từ 9 giờ sáng trở đi, nếu thả vào sáng sớm, cỏ cây vẫn còn đọng sương dê ăn vào rất dễ bị mắc bệnh đường tiêu hoá ".
 
Là một trong những hộ dân nuôi tổng đàn lớn và có kinh nghiệm trong chăn nuôi dê, anh Hiền cho biết: Do có diện tích đồi núi rộng, nghề nuôi dê ở Nam Hưng đã phát triển từ rất lâu. Có thời điểm cả xã hầu như nhà nào cũng nuôi dê, hộ ít cũng có 3-5 con, hộ nhiều chăn thả đến hơn 50 con. Nhưng trước đây hiệu quả kinh tế từ nuôi dê thấp do tiêu thụ khó khăn do người tiêu dùng chưa quen ăn, nhiều hộ dân đã chuyển sang nuôi bò, gà, lợn... Mấy năm gần đây, nhà hàng, khách sạn mọc lên nhiều, theo đó nhu cầu về những món đặc sản chế biến từ thịt dê tăng khiến nghề nuôi dê phát triển trở lại.

775146_small_73713.jpg

Nhiều hộ nông dân xã Nam Hưng (Nam Đàn) thoát nghèo nhờ chăn nuôi dê

Dê là loài động vật chỉ thích ăn lá, không thích ăn tinh bột nên cũng dễ “chiều”; chúng ăn được cả các loại cây cỏ tự nhiên nghèo chất dinh dưỡng, chịu đựng kham khổ tốt nên tiền đầu tư thức ăn không cao, có thể chăn thả trên đồi núi, hoặc làm chuồng nuôi nhốt. Khó khăn lớn nhất trong chăn nuôi là vào mùa đông dê hay mắc một số bệnh như tụ huyết trùng, dịch tả, nhiệt thán vì sức chịu đựng kém do tác động của thời tiết khí hậu, nếu không có biện pháp phòng bệnh hợp lý dê sẽ dễ bị nhiễm bệnh và mất trắng cả đàn....
 
Nhân thời cơ bà con đua nhau bán dê giá rẻ vào thời điểm trước năm 2000, anh Thái Khắc Hà (ở xóm Lam Sơn) đã chọn lựa mua những con nái giống tốt về gây đàn. Từ 5 con dê giống nuôi ban đầu, do biết cách chăm sóc và áp dụng khoa học kỹ thuật đúng cách, đến nay đàn dê của gia đình anh Hà phát triển lên đến 40 con và luôn sinh sản ổn định từ 35- 40 con/năm. Việc tiêu thụ cũng rất thuận lợi vì có thương lái đến cân tận nhà. Với hình thức vừa cho sinh sản bán con giống vừa nuôi dê thương phẩm, trừ chi phí, hàng năm anh Hà thu lãi từ 50- 60 triệu đồng. Không riêng gì gia đình anh Hà, nhờ vào chăn nuôi dê nhiều hộ gia đình đã mua sắm được trang thiết bị, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt là tạo được việc làm vào thời điểm nông nhàn.
 
Theo đánh giá của ông Trần Đình Bính, chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hưng thì: Với địa hình đồi núi cao, đất dốc, sản xuất nông nghiệp của xã phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời nên mùa màng năm được, năm mất. Trong bối cảnh đó, việc phát triển nghề chăn nuôi dê là phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Nam Hưng. Chăn nuôi dê không chỉ cần ít vốn, quay vòng nhanh mà còn tận dụng được công lao động nhàn rỗi và khai thác được tiềm năng đồi rừng của địa phương...
 
Một con nái tốt sinh sản mỗi năm được 2 lứa, mỗi lứa từ 1- 2 con, sau khoảng 7 tháng nuôi trọng lượng đạt từ 20- 25kg/con; tại thời điểm giá dê thịt cân tại chuồng  từ 100.000- 110.000 nghìn đồng/kg. Đây là mức giá mang lại lợi nhuận tương đối cao cho người chăn nuôi. Nếu giá dê thịt giữ được ở mức ổn định như hiện nay thì việc chăn nuôi dê đang đem lại hiệu quả kinh tế là rất khả quan. Các cụ xưa đã có câu, "Giàu nuôi chó, khó nuôi dê", do vậy đây có thể xem đây là mô hình chăn nuôi phù hợp cho các hộ gia đình nghèo, không có đất sản xuất, bởi chỉ cần bỏ ra 1,5- 2 triệu đồng là đã mua được một con nái tốt để gây đàn.
 
Toàn xã hiện 150/ 820 hộ chăn nuôi dê với tổng đàn hơn 3.000 con; quy mô nuôi từ 5- 40 con/hộ; tổng thu nhập hàng năm từ dê đạt trên 2 tỷ đồng. Hiện nay Nam Hưng là nơi chuyên cung cấp dê thịt, dê giống cho các địa phương trong, ngoài huyện và thành phố Vinh. Nếu như trước đây dê được nuôi theo kiểu chăn thả tự nhiên ở khu vực gò đồi, quanh nhà thì nay nhiều hộ dân đã xây chuồng trại hoặc quy hoạch theo mô hình trang trại, gia trại; mô hình này giúp cho khả năng sinh sản, năng suất nuôi cao hơn; chất lượng con giống cũng tốt hơn nhờ chủ động trong việc ghép đối giao phối.
 
Hiệu quả từ nuôi dê là điều kiện để Nam Hưng tiến tới xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung với số lượng hàng hoá lớn, góp phần khẳng định thương hiệu đặc sản thịt dê Cầu Đòn Nam Đàn đang được thị trường ưa chuộng. Đồng thời phát huy thế mạnh của ngành chăn nuôi trong phát triển kinh tế nông nghiệp vùng bán sơn địa của huyện nhà.


Ngọc Anh