Tại phiên thảo luận chiều 20/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 4/2012 là “khoảng 0,06%”.
Trước đó, vào sáng 20/4, cũng chính Bộ trưởng Vinh đã “hé lộ” về diễn biến CPI tháng này, khi ông cho biết, mức tăng của CPI tháng 4 thấp hơn tháng trước.
“Anh em đang tính, nhưng chiều qua báo cáo tôi là chắc chắn dưới 0,1%”, ông Vinh nói.
Tháng trước, CPI tăng 0,16%, thấp nhất trong so sánh với 20 tháng qua và với cùng kỳ 3 năm gần đây. Tuy nhiên, với công bố của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì “kỷ lục” của CPI tháng 3 đã bị phá chỉ sau một tháng.
Sức mua của thị trường trong nước giảm, lương thực, rau quả được mùa cũng tác tác động làm giảm giá nông sản, thực phẩm.
Theo đánh giá của Chính phủ, CPI trong quý 1/2012 đã giảm dần và có tốc độ tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước. Nguyên nhân là do thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, tín dụng, tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách nhà nước và đầu tư công. Sức mua của thị trường trong nước giảm, lương thực, rau quả được mùa cũng tác tác động làm giảm giá nông sản, thực phẩm.
Bên cạnh đó, việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp tăng cường quản lý giá cả, thị trường cũng đã góp phần làm giảm tốc độ tăng giá thời gian qua, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Cũng theo số liệu cơ quan thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2012 của Hà Nội lần đầu tiên sau một thời gian dài đã tăng ở mức âm (-0,03%) so với tháng trước, là “đáy” trên đường hiển thị thống kê của 10 năm trở lại đây.
Còn tính chung, CPI Hà Nội đã tăng 2,59% kể từ đầu năm và tăng 9,52% so với cùng kỳ năm 2011.
Có thể thấy CPI của Hà Nội trong tháng 4 đã chịu tác động lớn của đợt tăng mạnh giá xăng dầu ngày 7/3 vừa qua, khi chỉ số giá của nhóm hàng giao thông tăng tới 2,67%.
Tuy nhiên, nhóm hàng có quyền số lớn trong rổ tính CPI là lương thực và thực phẩm lại giảm. Một nguyên nhân chính là sự e ngại của người tiêu dùng về chất tạo nạc trong thịt lợn nổi lên thời gian gần đây, trong khi thời tiết ủng hộ cho nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả…
Ở tác động vĩ mô, sau một thời gian dài thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nhu cầu tiêu dùng có khả năng thanh toán đã sụt giảm, người dân tiết kiệm chi tiêu hơn. Một thực tế được ghi nhận là lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng giảm mạnh với -1,96% trong quý 1/2012; tổng phương tiện thanh toán tính đến 26/3/2012 cũng chỉ nhích nhẹ khoảng 1,06% so với cuối năm 2011.