(Baonghean) - Kế tiếp những khó khăn của năm 2011, quý I/2012, doanh nghiệp tiếp tục lao đao về vốn, thị trường. Chưa bao giờ, vấn đề doanh nghiệp ngừng hoạt động, vấn đề lao động, việc làm lại được dư luận quan tâm như hiện nay.
 
Số liệu báo cáo từ Cục Thuế Nghệ An khiến không ít người giật mình: Tính đến đầu tháng 3/2012, trong tổng số doanh nghiệp (DN) được cấp giấy phép hoạt động là 12.146 DN đã có tới 4.454 DN đóng mã số thuế (MST), trong đó 2 tháng đầu năm có 246 DN đóng MST. Cơ quan thuế hiện đang quản lý MST của 7.692 DN thì có tới 908 DN có đơn xin tạm ngừng kinh doanh trong 2 tháng đầu năm, 497 DN có tờ khai nạp thuế nhưng tất cả các chỉ tiêu đều bằng 0. Số DN đăng ký kinh doanh và kê khai nạp thuế bình thường 6.287 DN, trong đó có 257 DN mới thành lập chưa phát sinh doanh thu. Như vậy, thực chất chỉ có 6.030 DN nạp tờ khai tính thuế và nộp thuế. Số DN đăng ký mới chững lại, số DN đóng MST ngày một nhiều hơn, nộp ngân sách của khối DN giảm mạnh. Thu ngân sách quý I chỉ bằng 20,9% dự toán và chưa bằng một nửa so với cùng kỳ. Đặc biệt, lĩnh vực xây dựng, tư vấn thiết kế, giao thông, nhiều DN phải giảm quy mô hoặc ngừng sản xuất kinh doanh.

775122_small_73685.jpg

Thiếu vốn, nhiều công trình thi công cầm chừng,
việc làm cho lao động khó khăn.

Công ty CP Tư vấn và xây dựng giao thông Nghệ An được thành lập từ những năm 70 của thế kỷ trước với thế mạnh tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát. Từ năm 2000 - 2010 là giai đoạn hoàng kim của DN, lương cao, cán bộ công nhân viên luôn đứng tốp đầu của ngành Giao thông, nhưng hiện nay, 130 lao động của công ty đang rơi vào cảnh thất nghiệp. Ông Lê Duy Nhã - Phó Giám đốc công ty cho biết: "Nếu như trước kia chúng tôi làm không hết việc, thì từ năm 2011 lại nay, thực hiện Nghị quyết 11, trên "phanh", dưới không có việc. Năm 2011 không ký được hợp đồng nào, quý I năm nay ký được 2 hợp đồng nhưng trong đó có 1 hợp đồng là Dự án đường Vinh - Cửa Hội trước đã làm nhưng không có vốn nên dừng lại, nay vẫn tiếp tục thiết kế lại, cố để kiếm việc cho người lao động dù không biết có vốn để thi công hay không". Khó khăn đó khiến năm 2011 DN này nợ thuế hơn 1 tỷ đồng, nợ BHXH 860 triệu đồng. "Cái khó hiện nay của DN là trong khi nợ thuế thì bị tính lãi trả chậm, nhưng hiện DN đang bị nợ gần 20 tỷ đồng thì không được xem xét. Chẳng hạn như năm 2002, thiết kế dự án giao thông vùng chè huyện Thanh Chương với trị giá trên 7 tỷ đồng, nhưng cho đến nay mới nhận được... 50 triệu đồng. Hay dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 1 đoạn từ Quán Bàu - Quán Hành cũng đã thiết kế xong nhưng vì không có nguồn đầu tư, vướng GPMB, dự án chậm tiến độ và phần thiết kế của DN cũng bị đình lại." - Ông Nhã chia sẻ.
 
Có thể nói, hiện nay DN thuộc khối xây lắp, giao thông gặp nhiều khó khăn do chủ đầu tư thiếu vốn, công trình thi công dở dang, DN phải chịu áp lực về lãi suất ngân hàng, nhiều đơn vị không vay được vốn, giải ngân chậm nên hiệu quả sản xuất thấp. Trong khi công trình dự án bị cắt giảm, giá vật liệu tăng cao so với dự toán khiến khó khăn càng chồng chất. Đời sống công nhân lao động gặp vô vàn khó khăn. Chưa khi nào anh Hiếu - lái xe đội cơ giới Công ty CP Quản lý và xây dựng công trình giao thông 487 lại rơi vào cảnh khó khăn như hiện nay. "Trong bối cảnh khó khăn, việc ít, công ty chỉ bố trí cho khoảng 70% lao động, số còn lại phải tự xoay xở. Hơn 10 công nhân lái máy như anh Hiếu đều phải xin nghỉ tự lo việc. và được công ty trả lương tối thiểu 1 triệu đồng/tháng, đóng BHXH".
 
Ông Châu Hồng Lâm - Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cp Quản lý và xây dựng công trình giao thông 487 lo lắng: Hiện nay, DN hoạt động trên 2 mảng chính là quản lý duy tu sửa chữa đường bộ và xây lắp công trình giao thông. Công trình nhỏ lẻ, gần 200 lao động cầm cự chỉ biết hôm nay có việc mà không biết ngày mai như thế nào. Hiện tại, DN nợ bảo hiểm 400 triệu đồng, nợ thuế 1,5 tỷ đồng. Là DN nhỏ, vốn điều lệ chỉ 7 tỷ đồng, trong khi đó các chủ đầu tư nợ hàng chục tỷ đồng, lãi suất ngân hàng vẫn còn cao. Nếu DN hoạt động chủ yếu dựa vào tiền vay, phải gánh lãi suất như thời gian vừa qua khoảng xấp xỉ 20% thì bao nhiêu công sức làm ra, lợi nhuận của DN cũng không đủ để trả lãi suất ngân hàng.
 
Đảng ủy khối DN hiện nay đang quản lý 135 DN thì tình hình sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp đều gặp nhiều khó khăn, số DN làm ăn hiệu quả rất ít, DN thua lỗ, ngừng sản xuất tăng. Điển hình như Công ty CP cầu đường nhiều năm liền làm ăn thua lỗ, công nhân không có việc làm, Công ty XNK thủy sản 2 thông báo ngừng hoạt động từ tháng 10/2011, Công ty CP ô tô Trường Sơn 5 năm nay ngừng hoạt động, Công ty CP Thủy lợi 24 hoạt động khó khăn do thiếu vốn, từ đầu năm đến nay khoảng 300 lao động không có lương, DN nợ BHXH 3 tỷ đồng, nợ thuế 4 tỷ đồng; Công ty Nạo vét đường biển 2 cũng khó khăn tương tự. Doanh nghiệp thua lỗ, công nhân không có việc làm, thất nghiệp tăng cao đang là nguy cơ các tệ nạn xã hội gia tăng.
 
Gần 5 ngàn DN đóng MST, và có thể tiếp tục có thêm rất nhiều DN ngừng hoạt động hoặc giải thể trong năm nay, làm tăng nguy cơ thất nghiệp cho người lao động trên diện rộng.
(Còn nữa)


Thu Huyền