(Baonghean) - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh không có nhiều điều kiện về thăm quê, nhưng mỗi lần Người trở về quê là mỗi lần để lại những tình cảm sâu nặng trong lòng người dân quê hương. 45 năm qua, tình cảm đó vẫn được các thế hệ người dân Nam Đàn gìn giữ và trở thành động lực, quyết tâm phấn đấu xây dựng Nam Đàn thành huyện kiểu mẫu như sinh thời Bác hằng mong muốn. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 45 Ngày giỗ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Thái Văn Nông - Chủ tịch UBND huyện xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: 45 năm đã trôi qua nhưng những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần Người về thăm quê lần thứ hai (năm 1961) đã được người dân Nam Đàn khắc ghi bằng những hành động thiết thực. Vậy xin ông cho biết, Nam Đàn có những đổi thay như thế nào sau 45 năm thực hiện Di chúc của Người?
Ông Thái Văn Nông: Khắc sâu lời căn dặn của Người đối với quê hương và thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua”, trong những năm qua, người dân Nam Đàn luôn ra sức phấn đấu lao động sản xuất, thi đua công tác tốt, làm nhiều việc tốt... Các phong trào phát triển khá sâu rộng, phong phú, đa dạng trong mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị và mỗi gia đình nhằm hướng tới mục tiêu phát triển mạnh về kinh tế, giàu về văn hóa, vững về quốc phòng - an ninh. Nổi bật nhất là các phong trào “Liên kết phục vụ nông nghiệp”, “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Đưa nhanh các giống mới có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất”, “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có hiệu quả cao”, “Phát triển kinh tế trang trại”, “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn”... Từ các phong trào trên đã làm thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất độc canh cây lúa sang dịch vụ hàng hóa với hàng nghìn héc ta rau màu, lúa, ngô hàng hóa. Nhờ đó, Nam Đàn có gần 100% diện tích đất nông nghiệp đạt giá trị 50 triệu đồng/ha/năm trở lên, trong đó có trên 50% diện tích có thu nhập từ 70 đến trên 200 triệu đồng/ha/năm; toàn huyện có 725 trang trại, trong đó có 30 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lợi nhuận mỗi năm đạt trên 15 tỷ đồng.
Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, Nam Đàn cũng tập trung chỉ đạo phát triển tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Hiện tại trên địa bàn có gần 10 dự án đầu tư hoạt động có hiệu quả như: Các nhà máy may của Công ty Haivina Hàn Quốc, Hanosimex, nhà máy công nghệ cao chế tác kim hoàn của Công ty Nam Đàn Vạn An... Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư khá tốt, tạo điều kiện cho ngành nghề du lịch bước đầu hình thành và hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, để xứng đáng với niềm tin tưởng của Đảng và Nhà nước khi chọn Nam Đàn là 1 trong 5 điểm chỉ đạo của Trung ương về xây dựng nông thôn mới. Nam Đàn đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện chương trình, phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Bước chuyển trong phong trào này là bộ mặt nông thôn được chỉnh trang, xây dựng đẹp hơn. Với phương châm phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, lồng ghép các chương trình, dự án, huy động tối đa các nguồn vốn, trong 3 năm qua toàn huyện đã huy động được trên 554 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 135,6 tỷ đồng, chiếm 24,5%. Phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới được người dân đồng tình hưởng ứng, đã có 2.197 hộ tự nguyện hiến đất với diện tích 112.187 m2, trong đó: đất vườn 32.603 m2, đất sản xuất 79.584 m2. Đến nay, có 1 xã đạt 19/19 tiêu chí, 3 xã: Nam Trung, Nam Cát và Nam Giang phấn đấu đạt 19/19 tiêu chí vào cuối năm nay, các xã còn lại đạt trên 10 tiêu chí.
Cùng với chú trọng chỉ đạo hiệu quả nhiều phong trào thi đua phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Nam Đàn luôn thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với các phong trào xây dựng làng, xóm, đơn vị, gia đình văn hóa, xây dựng khu dân cư tiên tiến, quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, đền ơn đáp nghĩa, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, giúp đỡ gia đình chính sách… Các phong trào được nhân dân tích cực hưởng ứng, phấn khởi tham gia, góp phần xây dựng khối đoàn kết toàn dân, gắn bó giữa cá nhân và tập thể, tính cộng đồng ngày càng thể hiện rõ nét trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị… để Nam Đàn xây dựng thành công huyện điểm văn hóa. Kiên trì xây dựng phong cách “Người Nam Đàn” có trình độ, văn hóa, có ý chí vươn lên, khát vọng làm giàu...,. các phong trào thi đua trong lĩnh vực giáo dục được quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, nhất là phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia; phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Dạy tốt, học tốt”... Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ, 16/24 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới. Quan tâm công tác xóa đói, giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn dưới 7,5%.
Phóng viên:Tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng để Nam Đàn trở thành huyện kiểu mẫu như lời Bác Hồ căn dặn và mong muốn, thì vẫn còn rất nhiều khó khăn, thưa ông?
Ông Thái Văn Nông: Nhìn vào tổng thể, Nam Đàn đã có những bước tiến mới, tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan thì Nam Đàn vẫn chưa có những điểm đột phá lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế. Đời sống nhân dân đã được nâng lên nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù đã có những mô hình tốt, nhưng việc nhân rộng mô hình, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng thu nhập cao còn hạn chế. Nhiều diện tích thấp trũng, ngập úng và các xã ở khu vực 5 Nam không làm lúa vụ hè thu. Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện phát triển chưa mạnh. Tiến độ xây dựng nông thôn mới vẫn còn chậm; phát triển làng nghề, làng có nghề, tiểu thủ công nghiệp chưa mạnh, chưa tạo được nhiều sản phẩm có chất lượng phục vụ du lịch. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn ra. Chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, chất lượng giáo dục mũi nhọn kết quả chưa cao.
Phóng viên: Thời gian tới Nam Đàn có những chiến lược nào để hoàn thành mục tiêu trở thành huyện kiểu mẫu như sinh thời Bác hằng mong muốn?
Ông Thái Văn Nông: Nam Đàn là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghệ An và Nam Đàn trong lòng người dân cả nước và bạn bè trên thế giới rất đỗi thiêng liêng, có người chỉ ước ao một lần trong đời được về thăm quê Bác - Nam Đàn. Vì vậy, mỗi người dân trên quê Bác cũng cần thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và đó còn là tình cảm để quê Bác phát triển, trở thành địa phương phát triển toàn diện. Xác định xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện điểm nông thôn mới, xây dựng xã Kim Liên thành xã nông thôn mới kiểu mẫu không chỉ thỏa mãn các tiêu chí nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân mà còn góp phần xây dựng diện mạo quê hương Bác ngày càng khang trang, giàu mạnh, văn minh. Để làm được việc này, Nam Đàn xác định: Về kinh tế, tập trung phát triển theo 3 mũi: du lịch và dịch vụ, thương mại; nông nghiệp công nghệ và giá trị cao; công nghiệp công nghệ cao và phát triển làng nghề. Về văn hóa – xã hội, quan tâm hoàn thiện các thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nâng cao nhận thức về văn hóa, xây dựng lối sống ứng xử văn hóa, văn minh, tiếp tục xây dựng hình ảnh con người quê Bác trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Muốn làm được điều này, yêu cầu đội ngũ cán bộ phải thực sự đoàn kết, bám cơ sở, phát huy tối đa nội lực, sự sáng tạo, tinh thần tự lực, tự cường trong đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân, đồng thời tăng cường mở rộng quan hệ ngoại giao nhằm thu hút các nguồn lực để Nam Đàn phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của mình để phát triển.
Kỷ niệm 45 năm Ngày giỗ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để người dân Nam Đàn nhìn lại những gì đã làm được và chưa được để tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện, không phụ lòng mong mỏi của Trung ương, của tỉnh, của bạn bè trong nước và quốc tế. Để mỗi lần về với Nam Đàn, người dân, du khách khắp nơi trong cả nước, bạn bè quốc tế cảm nhận được sự đổi thay, lớn mạnh của quê hương Bác, để thấy được niềm mong mỏi của Bác đã trở thành hiện thực.
Phóng viên:Xin chân thành cảm ơn ông và chúc Nam Đàn sớm thực hiện được lời căn dặn của Người.
Thanh Thủy