Sáng 30/7, đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có cuộc giám sát tại Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 3/6/2008 (Nghị quyết số 18) của Quốc hội khóa XII về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Dự cuộc làm việc có các Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền, Trần Văn Mão; đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh và huyện Nam Đàn cùng dự. Ảnh: Thanh Lê Khó về nhân lực
Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn đã được đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp về cơ sở vật chất, mua trang thiết bị góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị cho người bệnh, đặc biệt là tuyến huyện, giảm được số bệnh nhân chuyển lên tuyến trên.
Tuy nhiên, theo bác sỹ chuyên khoa II, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn Hồ Sơn chia sẻ: Nhân lực là vấn đề cấp thiết nhưng cái khó của đơn vị là không tuyển dụng được đội ngũ cán bộ có trình độ cao về công tác.
Mặc dù bệnh viện đã có cơ chế riêng, nhất là công tác đào tạo nhưng sau khi đào tạo về những người này không tiếp tục ở lại mặc dù đã có cam kết trước khi đi học. Việc tuyển dụng bác sỹ chính quy về xã lại càng không thực hiện được.
Đoàn giám sát kiểm tra cơ sở vật chất của Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn. Ảnh: Thanh Lê Mặt khác, hiện nay là thực hiện quy định chấm điểm theo hạng bệnh viện đòi hỏi những điều kiện cần và đủ. "Nếu được công nhận bệnh viện hạng 3 thì đơn vị phải thành lập thêm 2 khoa là dinh dưỡng tiết chế và kiểm soát nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, để thành lập khoa, phòng mới hết sức nan giải trong điều kiện sáp nhập, tinh giản biên chế" - bác sỹ Hồ Sơn nói thêm.
"Cái cần nhất là cho chúng tôi cơ chế" - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn đề xuất. "Việc thực hiện các chính sách vướng mắc lâu rồi nhưng chậm giải quyết. Nếu phá rào thì vi phạm, nếu không phá rào không phát triển được".
Vướng về cơ chế, chính sách
Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn phản ánh, quá trình thực hiện Nghị quyết số 18, đơn vị gặp không ít khó khăn, bất cập trong thực hiện chính sách pháp luật về xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thời gian qua, ngành Y tế có nhiều chính sách thay đổi nhưng Bộ Y tế chậm ban hành các văn bản hướng dẫn. Trong khi đó, một số văn bản Bộ Y tế và BHXH chưa thống nhất, văn bản cũ không còn phù hợp, khó triển khai cho cơ sở.
Bên cạnh đó, chính sách “thông tuyến” khám, chữa bệnh góp phần tăng tiếp cận dịch vụ y tế, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT, nhất là người nghèo được khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, một số người lợi dụng “thông tuyến” để đi khám nhiều lần trong ngày, trong tháng.
Ngoài ra, hiệu quả đầu tư nguồn lực cho y tế cũng bị hạn chế, số lượt người khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã giảm, tuyến huyện lại quá tải,...
Phòng xét nghiệm Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn được đầu tư thiết bị hiện đại,, phục vụ công tác khám chữa bệnh. Ảnh: Thanh Lê
Kết luận cuộc làm việc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, đánh giá cao kết quả triển khai Nghị quyết 18/QH12 của Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn; đồng thời mong muốn Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; quan tâm làm tốt công tác tổ chức bộ máy; có lộ trình để thực hiện tốt cơ chế tự chủ và xã hội hóa,...
Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Y tế dự phòng huyện và Bệnh viện Đa khoa huyện với có 11 khoa và 1 phòng khám đa khoa khu vực; có 36 bác sỹ; 42 điều dưỡng; 11 nữ hộ sinh. Tại các trạm y tế có 23 bác sỹ; 30 điều dưỡng; 24 hộ sinh và 4 dược sỹ.