Nhiều chuyển biến trong sinh hoạt chi bộ
Đánh giá về kết quả 2 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT-TU, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều khẳng định có nhiều bước chuyển trong sinh hoạt chi bộ ở các loại hình.
Nổi bật là duy trì nề nếp sinh hoạt chi bộ, trong đó nhiều địa phương, nhiều đơn vị, cơ quan thực hiện sinh hoạt vào ngày 3 hàng tháng; ý thức chấp hành và tham gia sinh hoạt của đảng viên cao hơn và đầy đủ hơn.
Nội dung được các cấp ủy hướng dẫn các chi bộ chuẩn bị bài bản và chất lượng sinh hoạt chi bộ cũng được nâng lên; chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm để sinh hoạt chuyên đề.
Tuy nhiên, một số đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đặt ra nhiều trăn trở về chất lượng sinh hoạt chi bộ. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hường, một trong tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ, đó là việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; song thực tiễn ở nhiều chi bộ nông thôn hiện nay, bí thư chi bộ, thậm chí là chi ủy là cán bộ nghỉ hưu, không trực tiếp sản xuất, ít nhiều tác động đến chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Mặt khác, năng lực điều hành sinh hoạt ở một số bí thư hạn chế, dẫn đến các kỳ họp chi bộ không khơi dậy được tinh thần phát biểu, xây dựng của đảng viên và vô hình trung, các cuộc họp chi bộ cứ rề rà mà không bàn bạc, giải quyết được vấn đề trọng tâm của đơn vị, dẫn đến sinh hoạt chi bộ hình thức.
Cùng trăn trở về chất lượng sinh hoạt chi bộ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn lo lắng về tính chiến đấu, tính lãnh đạo, tính giáo dục trong sinh hoạt chi bộ hiện nay và cho rằng cần khảo sát, đánh giá khách quan, nhìn đúng bản chất thực trạng để bàn các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Nhấn mạnh, linh hồn, sức sống của chi bộ phụ thuộc rất lớn vào vai trò bí thư chi bộ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, cùng với kiện toàn bí thư chi bộ thông qua sáp nhập khối, xóm, bản và Đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2022 thì cần chuyển sức sống, tâm huyết, trách nhiệm và sự trăn trở cho đội ngũ này thông qua việc bồi dưỡng, cung cấp thông tin, gợi ý sinh hoạt chi bộ và duy trì chế độ cấp trên tham dự sinh hoạt chi bộ...
Giám sát nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ theo Quy định 76
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ phải trên 3 vấn đề là: chất lượng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác tư tưởng; công tác phê bình và tự phê bình.
Để đánh giá thực chất thì từng cấp ủy cấp trên phải nhìn nhận vào phong trào ở địa phương, cơ quan, đơn vị đó và các vấn đề xảy ra được xử lý như thế nào; các vi phạm có được chi bộ chủ động phát hiện hay khi vỡ lỡ mới biết; có đảng viên nói sai chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và bình luận thiếu căn cứ, thiếu trách nhiệm trên mạng xã hội hay không?…
Khẳng định, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ rất quan trọng, tuy nhiên đây không phải việc dễ, Bí thư Tỉnh ủy giao trách nhiệm cho 5 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ chủ động nghiên cứu thực tiễn chất lượng sinh hoạt chi bộ ở từng loại hình, trên cơ sở đó đánh giá, tổng kết, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy để có những định hướng, hướng dẫn chi tiết, cụ thể các yêu cầu, làm “cẩm nang” cho các chi bộ trong sinh hoạt, từ quy trình, cách thức tổ chức, điều hành đến nội dung sinh hoạt và yêu cầu đảng viên đóng góp xây dựng tại các kỳ sinh hoạt chi bộ…
Đối với cấp ủy cơ sở cần thực hiện chế độ phân công cấp ủy theo dõi, bồi dưỡng, định hướng, hướng dẫn cho chi bộ, đảm bảo nâng cao chất lượng sinh hoạt, tính chiến đấu. Mặt khác, cấp ủy các cấp cần giám sát để đảm bảo các đảng viên trong các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt chi bộ theo Quy định 76.