(Baonghean) - Trong những năm qua, bộ mặt nông thôn ở Nam Đàn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Góp phần vào những chuyển biển đó, các địa phương đã có những cách làm hay, hiệu quả trong công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ).
Về xã Nam Trung, thật khó để hình dung ra nơi vốn là một xã vùng trũng, cứ hễ đến mùa mưa là cả làng chạy lên đê, nóc nhà tránh lũ. Những mái nhà tranh, nhà ngói lụp xụp ngày nào đã được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng khang trang, hiện đại. Giải thích cho sự thay đổi đó, Phó Chủ tịch UBND xã, Đinh Hồng Quang cho biết, đều là nhờ vào XKLĐ. Như xóm 5, xóm 7, hầu như nhà nào cũng có người đi lao động ở nước ngoài, tiền gửi về xây nhà, mua sắm các đồ dùng có giá trị khiến đời sống người dân được nâng lên. “Cả xã hiện nay có khoảng 500 người đi XKLĐ, chủ yếu tại các thị trường như Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc. Còn nếu tính cả những người đi làm việc ở Lào thì có khi lên đến hơn ngàn người. Mỗi năm, nguồn ngoại hối gửi về thông qua Qũy tín dụng nhân dân xã lên đến 70-80 tỷ đồng”, ông Quang phấn khởi cho biết.
Phong trào XKLĐ ở Nam Trung có từ 15 năm trước, nhưng khoảng 10 năm nay phát triển mạnh. Những thị trường trả lương cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông ngày càng có nhiều người đi. Khi phong trào còn mới nở rộ, một số người dân do chưa nắm hết các thông tin, bị các công ty “ma” lừa, người thì không đi được, tiền thì mất. Nhận thấy nếu cứ để người dân tự “bơi” thì không tránh khỏi những rủi ro, vì thế chính quyền xã Nam Trung đã quyết định thành lập một Ban tư vấn XKLĐ, thành viên là các xóm trưởng, đại diện các tổ chức, UBND xã và phối hợp với các công ty tuyển dụng.
Ban tư vấn thành lập đã tạo được hiệu quả thực sự. Hễ nhà nào có nhu cầu đi XKLĐ đến ngày thứ 5 hàng tuần lên UBND xã sẽ được hướng dẫn, tư vấn đầy đủ về các thông tin cần thiết như thị trường, nghề nghiệp, chi phí, lương và các điều kiện liên quan. Đối với những gia đình thiếu vốn, xã đứng ra bảo lãnh để gia đình thế chấp vay vốn tại Qũy tín dụng nhân dân của xã. Những gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo sẽ được ưu đãi về lãi suất. Từ đây, người dân đua nhau đi, mang tiền về chăm lo gia đình, đầu tư sản xuất, kinh doanh nên bộ mặt xã ngày càng thay đổi rõ nét.
Còn xã Vân Diên xác định XKLĐ là một trong những mũi nhọn, nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Quang Linh thì Vân Diên có nguồn lao động dồi dào, Qũy tín dụng nhân dân mạnh, có phong trào XKLĐ sớm đó là những lợi thế để xã đẩy mạnh công tác này. Từ đây, cấp ủy, chính quyền đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm giúp nhân dân nắm bắt được chủ trương và các thông tin đầy đủ trước khi đi XKLĐ. “Hàng năm, có hàng chục công ty về địa phương tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bởi vậy, để tránh rủi ro cho người dân Đảng ủy, UBND xã đã tổ chức các đoàn đi khảo sát trực tiếp tại các công ty này, có lúc ra tận Hà Nội để xem có công ty đó hay không, năng lực thực sự như thế nào. Sau đó, xã mới tư vấn, hướng dẫn cho người dân”, ông Linh cho biết.
Người dân xã Vân Diên vốn xuất phát thuần nông, kinh tế không dư dả nên việc có đủ kinh phí đi XKLĐ ở các thị trường khó tính không phải điều đơn giản. Nhận thấy khó khăn đó của người dân, chính quyền xã Vân Diên đã làm việc với Qũy tín dụng nhân dân thống nhất sẽ cùng phối hợp tư vấn, cho vay vốn và làm thủ tục đầy đủ cho người dân. Khi người dân có nhu cầu, họ có thể đến Qũy tín dụng nhân dân để được giúp đỡ lựa chọn công ty, thị trường phù hợp, đưa người dân đi làm thủ tục và ký hợp đồng với các công ty tuyển dụng.
Với cách làm này, sẽ hạn chế được nhiều rủi ro, giảm thời gian đi lại cho người dân đồng thời giúp các công ty nắm bắt đầy đủ nhu cầu của người lao động. “Các năm trước, xã còn phối hợp với các công ty tuyển dụng trong việc dạy tiếng cho người dân ngay tại địa phương. Theo đó xã bố trí địa điểm, công ty nhận việc giảng dạy, người dân ban ngày đi học, ban đêm vẫn có thể về nhà nghỉ ngơi. Như vậy, tiết kiệm được tiền bạc và thời gian cho người dân rất nhiều”, ông Linh chia sẻ.
Theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện toàn xã Vân Diên có khoảng trên 500 lao động đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia. Phong trào đi XKLĐ rầm rộ, lan rộng khắp toàn xã nhưng nhiều nhất vẫn là các xóm Quy Chính 1, Quy Chính 2, Nhật Quang. Tìm về xóm Nhật Quang, một xóm có hơn 50% là đồng bào công giáo. Quang cảnh khang trang với những ngôi nhà 3-4 tầng sơn đủ màu sắc. Ông Trần Văn Ngụ, xóm trưởng xóm Nhật Quang cho biết, sự quan tâm của chính quyền địa phương với những cách làm phù hợp đã giúp đỡ rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn có hướng phát triển kinh tế bằng cách đi XKLĐ.
Từ đây, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nhiều gia đình giàu lên từ nguồn tiền XKLĐ gửi về. Như gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn, trước đây, chỉ làm ruộng nên cuộc sống khó khăn. Với mong muốn có chút vốn, năm 2009, anh Tuấn quyết định đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Sang bên đó, anh làm nghề cơ khí, ban đầu mức lương học việc từ 10 - 12 triệu đồng/tháng, sau khi tay nghề “cứng cáp” được hưởng mức lương từ 25 - 30 triệu đồng/tháng. Chỉ sau thời gian ngắn, anh đã có đủ tiền gửi về trả nợ và tích góp xây dựng ngôi nhà 3 tầng khang trang.
So với các địa phương trong tỉnh thì Nam Đàn chưa phải là huyện có kết quả XKLĐ cao, nhưng từ thực tế ở các xã thì có thể nhận thấy được sự chủ động, sự quan tâm và cùng đồng hành với người dân của chính quyền các địa phương. Trong 9 nhóm giải pháp xóa đói giảm nghèo mà Đảng ủy, UBND huyện đề ra trong nhiệm kỳ 2011-2015 thì XKLĐ là giải pháp trọng tâm. Ông Nguyễn Tư An, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Đàn cho biết: Huyện đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của các xã để người dân hiểu về công tác xuất khẩu lao động, đồng thời cung cấp thông tin cho người dân cảnh giác đối với các đối tượng xấu lừa gạt đi lao động nước ngoài nhằm tránh rủi ro đáng tiếc.
Bên cạnh lựa chọn các đối tác XKLĐ uy tín, huyện cũng đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương, các tổ chức phối hợp với các công ty để tư vấn, hướng dẫn và hoàn thiện hồ sơ cho người dân. Giao cho ngân hàng chính sách xã hội, quỹ tín dụng các xã tạo mọi điều kiện cho người dân vay tiền, UBND xã bảo lãnh, xác nhận trách nhiệm giữa lao động và quỹ tín dụng để gia đình có trách nhiệm trả tiền và giải quyết vướng mắc.
Có thể nói, XKLĐ là một trong những điểm sáng trong lĩnh vực lao động – việc làm của huyện Nam Đàn trong thời gian vừa qua. Nếu như năm 2012, toàn huyện có khoảng 920 người đi XKLĐ thì đến năm 2014 con số này đã tăng lên 1352. Mỗi năm, nguồn ngoại tệ được gửi về là trên 100 tỷ đồng. Nguồn tiền từ XKLĐ góp phần rất lớn vào chương trình xây dựng NTM. Cụ thể như ở các xã đã về đích NTM trong năm 2014 là Kim Liên, Nam Giang, Nam Trung, Nam Cát thì nguồn vốn huy động nội lực của người dân là một đòn bẩy không thể thiếu để đạt được các chỉ tiêu. Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế trong huyện thì nhờ nguồn vốn từ XKLĐ mà đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của năm 2012 là 9,81%, đến năm 2014 đã giảm xuống còn 4,77%. Kết quả đó một phần là nhờ sự vào cuộc quyết liệt bằng những giải pháp, hành động cụ thể, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Phạm Bằng