(Baonghean) - Bảo vệ môi trường là công tác đòi hỏi toàn cộng đồng cùng có chung nhận thức, hành động. Công tác ấy ở huyện Nam Đàn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhiều địa bàn dân cư luôn được sạch nhà, sạch ngõ, sạch đồng...
Cách làm hay ở cơ sở
Dù chưa đạt chuẩn nông thôn mới nhưng xã Nam Xuân tự hào vì nhận thức của cán bộ, nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường được nâng cao. Ở đây, hầu như gia đình nào cũng có 1 hố xi măng 2 ngăn để chứa rác thải; tại mỗi cánh đồng đều được đặt 1 bể chứa rác và xã đã có 3 khu chứa rác tập trung. Dạo trên những ngõ nhỏ bê tông sạch sẽ của các xóm 6, 7, ghé thăm các gia đình ông Hồ Sỹ Tư, bà Hồ Thị Biên... để tận mắt thấy việc người dân chăm lo cho công tác môi trường, chúng tôi được ông Nguyễn Hữu Thuận - cán bộ nông nghiệp và môi trường xã cho biết: Ở Nam Xuân, từ tháng 7/2012, xã đã tập trung cao độ, đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường.
Xã có khoảng 1.500 hộ, mỗi hộ được xã hỗ trợ xây dựng một hố rác hai ngăn, chứa rác thải rắn và rác hữu cơ. Với những khu vực sản xuất nông nghiệp, xã đầu tư 12 bể chứa rác đặt tại các cánh đồng của 12 xóm; tổng cộng đến nay toàn xã đã có 144 bể chứa rác tập trung. Tổng kinh phí xã đầu tư xây hố rác khoảng 700 triệu đồng. Ở các tuyến đường liên xã, liên xóm, liên gia, xã giao cho các tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân và hội cựu chiến binh đảm nhiệm. Các tổ chức này có trách nhiệm giám sát, đôn đốc và cùng nhân dân "chăm sóc" các tuyến đường.
Để bảo vệ môi trường ở các nghĩa trang, xã Nam Xuân đã đầu tư kinh phí khoảng 1 tỷ đồng xây dựng tường rào. "Từ khi có đề án bảo vệ môi trường, và nhất là khi xã đầu tư xây bể chứa rác, khu chứa rác tập trung, nhận thức của nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường đã nâng lên rất nhiều. Nhân dân đã biết phân loại rác, loại nào có thể đốt thì xử lý tại gia, loại nào không xử lý được thì thu gom rồi tập kết tại bãi rác tập trung..." - ông Nguyễn Hữu Thuận vui vẻ cho biết thêm.
Ở Nam Cát, là xã mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, công tác bảo vệ môi trường cũng có nhiều cách làm hiệu quả. Trước đây, xã tuyên truyền vận động nhân dân xây lò thu gom, xử lý đốt tại gia. Tuy nhiên, do đặc thù khu đốt rác gần dân cư nên bị ảnh hưởng từ khói bụi. Vì vậy, xã đã chuyển hướng sang hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Vinh hàng tháng thu gom rác. Lãnh đạo xã Nam Cát cũng chia sẻ thêm về những giải pháp của mình trong việc bảo vệ môi trường, đó là thành lập mạng lưới cộng tác viên, có hưởng một khoản "lương" nhỏ để theo dõi, giám sát, vận động, thực hiện thu phí và cùng các tổ tự quản (các đoàn thể), nhân dân trong khu vực làm sạch cống rãnh, đường làng ngõ xóm. Chị Phan Thị Lý - cán bộ phụ nữ xóm Thọ Mới là một cộng tác viên bảo vệ môi trường cho biết: “Gọi là "lương" cho vui vậy bởi chỉ 50.000 đồng/tháng. Nhưng chúng tôi không mấy bận tâm lắm vì công việc này sát thực với đời sống gia đình và xóm làng, hơn nữa, nhân dân Nam Cát có ý thức cao trong công tác bảo vệ môi trường, việc đóng phí 3.000 đồng/khẩu/tháng cũng rất đầy đủ, đúng lịch...".
Nằm tiếp giáp với địa bàn 5 xã, thị trấn, QL 46 và có nhiều cơ sở dịch vụ, sản xuất kinh doanh, chợ... nên trước đây Xuân Hòa luôn gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường. Sau khi xây dựng đề án bảo vệ môi trường, Xuân Hòa cũng đã ký hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Vinh để xử lý rác thải. Cứ vào chiều thứ 6 hàng tuần, nhân dân đưa rác đã thu gom ra cổng để sáng thứ 7, Công ty Môi trường đô thị Vinh cho xe và công nhân thu gom chuyển đi. Bên cạnh đó, tập trung vào công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm quy định... Chị Chu Thị Sơn - cán bộ nông nghiệp và môi trường xã cho biết: "Trước đây, có nhiều người dân ngoài địa bàn thường chuyển rác đến QL 46, thuộc địa bàn xã rồi vứt bừa bãi. Trước tình hình đó, công an xã đã theo dõi, bắt quả tang khá nhiều vụ, lập biên bản và xử lý phạt từ 1 - 2 triệu đồng, buộc phải dọn dẹp khu vực đã vứt rác. Những vụ việc này sau đó đều được đưa chi tiết lên hệ thống phát thanh. Sau nhiều lần như vậy, nạn vứt bỏ rác bừa bãi đã giảm hẳn...".
Bám thực tế, chỉ đạo sát sao
Trong đề án bảo vệ môi trường, giai đoạn 2010 - 2015, huyện Nam Đàn tiến hành đánh giá cụ thể thực trạng về môi trường. Từ môi trường nước, môi trường không khí và chỉ rõ một số lĩnh vực đang bị ô nhiễm như chất thải rắn (rác thải sinh hoạt, rác thải y tế); nước thải (nước thải khu dân cư, làng nghề); sản xuất nông nghiệp (thuốc bảo vệ thực vật, đánh bắt thủy sản); sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, làng nghề; nước sinh hoạt, công trình vệ sinh; khu vực chợ... Đồng thời, chỉ rõ những hạn chế và đề ra phương hướng, biện pháp khắc phục, giải quyết.
Trong đó coi trong thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, từ hệ thống thông tin truyền thông, pa nô, áp phích, tờ rơi... nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của cộng đồng; quy hoạch, xây dựng và quản lý bãi rác; đẩy mạnh công tác xã hội hóa; đầu tư bảo vệ môi trường khu vực nông nghiệp; xử lý các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, khu vực dịch vụ...
Đồng thời, huyện Nam Đàn căn cứ khả năng của ngân sách, các nguồn vốn hợp pháp khác để bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường phù hợp; hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác quản lý nhà nước; triển khai việc thu phí vệ sinh môi trường theo quy định của tỉnh và tổ chức chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Vào tháng 6 và tháng 9 hàng năm, các cán bộ được giao nhiệm vụ thực hiện đề án có trách nhiệm rà soát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường ở từng đơn vị cấp xã. Sau đó, ra văn bản đánh giá về những việc làm được; chỉ ra những tồn tại, hạn chế của từng nội dung theo tiêu chí môi trường của chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới đề ra; góp ý cách làm và yêu cầu cấp xã phải thực hiện trong một thời gian cụ thể. "Lần mới đây nhất là vào tháng 9/2014, phòng TN&MT đã chỉ ra cho xã Nam Giang, Nam Trung thấy việc chỉnh trang bờ rào, vệ sinh đường làng ngõ xóm, quản lý nghĩa trang, hệ thống tiêu thoát nước thải... chưa đạt yêu cầu; đồng thời nêu ra một số giải pháp thực hiện. Với những giải pháp đề ra, cả hai xã đã rốt ráo vào cuộc giải quyết nên chỉ sau một thời gian ngắn những vấn đề còn hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường đã được giải quyết, và được cấp trên công nhận đạt chuẩn..." – Trưởng phòng TNMT Nguyễn Thành Lâm trao đổi.
Hiện nay, dù Nam Đàn mới chỉ có 4 xã Kim Liên, Nam Cát, Nam Giang, Nam Trung được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhưng ở hầu khắp các xã ở địa phương này, công tác bảo vệ môi trường đã thực sự đã có những đổi thay. Kết quả đó, bắt nguồn từ sự chuyển biến trong nhận thức của toàn thể cán bộ, nhân dân về công tác bảo vệ môi trường. Và đây, thực sự là mục tiêu đảm bảo phát triển bền vững cần hướng tới.
Nhật Lân