(Baonghean) - Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết ở Na Ngoi luôn lạnh dưới mức 60C. Giữa cái rét tê tái, trong sương mù, giá rét, người dân vẫn cần mẫn đào, bới, gùi, cõng dong riềng về nhập ở đội chế biến của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4. Nhìn cảnh mọi người phấn khởi nối tiếp nhau gùi, cõng dong riềng đến nhập với tinh thần vui vẻ của người được mùa, tôi như quên đi cái giá lạnh.
Tiếng hỏi nhau “Nhà mình được mấy tạ, mấy tấn” nghe thật mừng; thật vui. Chỉ mới một lúc, dong riềng đã chất thành đống to, trong khi đó số lượng gùi đựng dong riềng chờ đến lượt nhập vẫn xếp hàng từng dãy dài, chen kín cả lối đi. Tôi hỏi ông Vừ Bá Pó ở bản Phù Khả 2: “Đợt này gia đình bố nhập được bao nhiêu?”. Ông Vừ Bá Pó trả lời: “Nhà bố nhập hơn 7 tấn thu được hơn 20 triệu đồng”. Ông Pó còn nói với tôi: “Dong riềng nhà bố còn nhiều lắm chưa thu hoạch kịp”.
Có rất nhiều gia đình ở Na Ngoi trồng nhiều dong riềng như gia đình ông Pó. Hôm nay gia đình anh Xồng Giống Thư ở bản Ka Nọi cũng nhập 1500 kg. Anh Xồng Giống Thư khoe: “Nhà mình còn phải nhập hơn 10 ngày nữa mới hết”… Nhiều nhà trồng dong riềng cho nên từ ngày bắt đầu thu mua đến nay, mặc dù chưa hết đợt 1, nhưng đơn vị đã thu mua được 270 tấn củ, sản xuất được 53 tấn tinh bột, chế biến hơn 3.000 kg miến dong riềng thành phẩm. Mỗi ki-lô-gam miến dong thương hiệu Phu-xai-lai-leng có giá 70.000 đồng, sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Chứng kiến niềm vui của các hộ đồng bào Mông trong buổi nhập dong riềng, ông Lầu Và Chồng - Chủ tịch xã Na Ngoi phấn khởi cho biết: “Từ khi Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 đưa dự án trồng, chế biến dong riềng đến với đồng bào, cuộc sống của người dân Na Ngoi đã thay đổi rất nhiều. Nhờ thu nhập từ trồng cây dong riềng nên tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm đáng kể. Đến nay, nhiều hộ đồng bào Mông nơi đây đã chọn cây dong riềng làm cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo. Vì thế, diện tích trồng cây dong riềng liên tục tăng lên. Năm 2012 là 70 ha thì năm 2013 lên đến 90 ha. Năm nay đã có thêm hàng chục hộ đăng ký trồng thêm với diện tích mở rộng trên 20 ha”
Trong những năm qua, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 xác định cùng với việc nhân rộng các mô hình sản xuất giúp đồng bào dân tộc các xã trong Khu Kinh tế - Quốc phòng Kỳ Sơn, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, như: bố trí ổn định dân cư, hỗ trợ khai hoang trồng lúa nước, chăn nuôi trâu bò, trồng chè Shan tuyết… thì trồng cây dong riềng là một trong những mũi nhọn. Vì thế, Đoàn tập trung hỗ trợ phân bón, vận động, hướng dẫn kỹ thuật giúp nhân dân mở rộng diện tích cây trồng này.
Đại tá Vi Hiểu - Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 khẳng định: “Trong năm 2014, nhằm giúp nhân dân mở rộng diện tích trồng cây dong riềng, trước mắt Đoàn sẽ hỗ trợ miễn phí cho đồng bào 400.000 củ giống, phân bón các loại, thuốc bảo vệ thực vật, dụng cụ sản xuất và cả ngày công lao động của bộ đội, của trí thức trẻ tình nguyện, đảm bảo cho đồng bào trồng mới từ 20 héc – ta trở lên. Còn về lâu dài, Đoàn tiếp tục đầu tư mua sắm máy móc, công nghệ chế biến hiện đại, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm miến dong. Thực hiện tốt mục tiêu nhân dân thu hoạch đến đâu, Đoàn tiêu thụ hết sản lượng củ dong riềng đến đó với giá thành cao và ổn định”.
Với trí tuệ, công sức của bộ đội, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 4 và sự lao động cần cù, chịu khó của người dân Na Ngoi mà nhiều vùng đất vốn hoang hóa dưới chân núi Phu-xai-lai-leng dần dần được phủ kín bởi màu xanh của lá, xen lẫn màu đỏ của hoa dong riềng, tạo cho núi rừng, bản làng ở Na Ngoi ngày càng thêm no ấm.
Nguyễn Huy Hoàng
HT: 5NK – 129, TP. Vinh